Phó Thủ tướng: Có thể báo cáo Trung ương hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội
Theo Phó Thủ tướng, Hà Nội có thể báo cáo Trung ương đề xuất những chính sách có tác động lớn như hạn chế phương tiện cá nhân tại một số tuyến phố trọng điểm.
Theo Báo điện tử Chính phủ, ngày 26/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Ảnh: VGP)
Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, TP Hà Nội triển khai các giải pháp trước mắt, lâu dài liên quan đến việc chấn chỉnh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào một số nguyên nhân: Quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý phương tiện giao thông, điều tiết giao thông…
"Đây cũng là nhiệm vụ của TP Hà Nội, phải chủ động làm việc với các bộ, ngành để đưa ra phương án. Những chính sách có tác động lớn thì có thể báo cáo Trung ương như hạn chế phương tiện cá nhân tại một số tuyến phố, đường, khu vực trọng điểm bằng công cụ kinh tế thay vì biện pháp hành chính; ứng dụng công nghệ trong giám sát, điều hành giao thông thông minh; bố trí các bến, điểm đỗ, tuyến giao thông công cộng thuận tiện cho người dân…", Phó Thủ tướng nói.
Về các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hà Nội, các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng đề án giải quyết ô nhiễm không khí vùng Thủ đô. Đề án cần có kế hoạch cụ thể, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và cơ chế, chính sách kèm theo.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với Hà Nội xác định, nắm rất rõ nguồn gây ô nhiễm, tỷ lệ, thời điểm ô nhiễm nặng và có giải pháp, cơ chế để xử lý dứt điểm như: Di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông…
Trước đó, báo cáo về chất lượng không khí tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, Hà Nội đang trên đà tăng trưởng kinh tế nhưng lại kéo theo các hệ lụy về sử dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng.
Tùy từng thời điểm mà mức độ các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 chiếm tỷ lệ khác nhau, trong đó cao nhất là nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) khoảng 58-74%, tiếp đó là nguồn công nghiệp từ 14-23%, nguồn nông nghiệp từ 3,4-18,9%...
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Hà Nội đã rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách quản lý môi trường không khí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống quan trắc nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng môi trường không khí; tập trung giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát sinh…
Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, quý I, toàn thành phố xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm 117 người chết, 199 người bị thương; giảm 81 vụ, tăng 1 người chết, giảm 115 người bị thương so với cùng kỳ năm 2024.
Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời điểm lễ, Tết, khung giờ cao điểm tại các tuyến trục chính, vành đai ra vào nội đô…
Nêu ý kiến tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng Hà Nội cần đánh giá toàn diện về tổ chức giao thông, vận tải hành khách công cộng; có lộ trình giảm phương tiện cá nhân tại một số tuyến, địa bàn trọng điểm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm…
Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị, cùng với việc nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố an toàn giao thông, Hà Nội cần thực hiện một số giải pháp cấp bách như: Giảm lưu lượng phương tiện, mật độ dân cư khu vực nội đô; khắc phục xung đột giao thông tại các nút có mật độ giao thông cao; đẩy nhanh tốc độ thi công các công trình trên đường giao thông đang khai thác; tiếp tục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: VGP)
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội sẽ đăng ký thực hiện mô hình "Thành phố an toàn giao thông" và tích cực thúc đẩy, kết hợp với các chương trình, đề án về giao thông thông minh, đô thị thông minh, phát triển giao thông công cộng xanh…
"Là địa phương trọng điểm về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, Hà Nội đã triển khai một số dự án cụ thể như làm sạch sông Tô Lịch; đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học, tham khảo kinh nghiệm các nước; và mong muốn nhận được sự tham gia, hợp tác chặt chẽ của các địa phương trong vùng Thủ đô", ông Trần Sỹ Thanh nói.