Phó Thủ tướng không đồng ý cho nhập 37 toa xe 40 tuổi từ Nhật Bản
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành không đồng ý nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng 40 năm của Nhật Bản theo đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về đề xuất nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đó, sau khi xem xét đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và ý kiến của nhiều Bộ ngành liên quan, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành không đồng ý nhập khẩu và khai thác 37 toa xe như ý kiến báo cáo của Bộ GTVT.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT và các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đường sắt.
Trước đó, sau khi xin ý kiến của các bộ liên quan, Bộ GTVT đã tổng hợp và có báo cáo Chính phủ về đề xuất nhập khẩu và khai thác 37 toa xe của VNR.
Sau khi xem xét đề xuất của VNR, Bộ GTVT nhận thấy 37 toa xe xin được nhập khẩu là các phương tiện đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu theo quy định. Căn cứ Nghị định 65, 37 toa xe nêu trên vừa không được phép nhập khẩu do có năm sản xuất quá 10 năm, vừa không được phép khai thác tại Việt Nam do đã có niên hạn sử dụng quá 40 năm.
Đề xuất của VNR cũng chưa đánh giá một cách cụ thể, chi tiết các nội dung về tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì; chưa nêu giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết các toa tàu mà VNR đề xuất nhập khẩu đều đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 1979 - 1982. Luật Đường sắt năm 2017 đã quy định, toa xe khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn do Chính phủ quy định, toa xe phải còn đăng kiểm, đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường.
"Toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị chỉ được nhập khẩu khi đã qua sử dụng không quá 10 năm và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng"- ông Nguyễn Ngọc Đông nói.
Đối chiếu với các toa xe mà doanh nghiệp đề xuất, được sản năm 1979 - 1982 (từ 39 đến 42 năm), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết không đáp ứng yêu cầu vừa nêu. Bên cạnh đó, khổ đường sắt của 37 toa xe này là 1.067 mm, trong khi đó khổ đường sắt Việt Nam hiện nay là 1.000 mm, nên khi nhập khẩu toa xe về cần phải hoán cải, chi phí theo tính toán của doanh nghiệp khoảng 140 tỉ đồng, tuy nhiên trên thực tế có thể cao hơn.
Bên cạnh đó, hiện ngành đường sắt cũng có các cơ sở đóng toa xe trong nước như tại Dĩ An (Bình Dương), nên cần xem xét đến yếu tố phát triển công nghiệp đường sắt. Vì những vấn đề vừa nêu, ông Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, quan điểm của Bộ GTVT là không đồng thuận với đề xuất nhập 37 toa xe cũ của Nhật Bản.
Về đề xuất nhập 37 toa xe cũ của VNR, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có ý kiến không ủng hộ vì không đáp ứng đúng quy định Nghị định 65. Thực tế, doanh nghiệp Nhật Bản loại bỏ các toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng vì lý do bảo vệ môi trường do thời gian sử dụng, vận hành các toa xe này đã trên dưới 40 năm. Vì vậy, cũng sẽ có những ảnh hưởng đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam.
JR East sẵn sàng chuyển giao miễn phí 37 toa xe
Trước đó, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên VNR, vừa qua đối tác của VNR là Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) có thông báo sẽ ngừng khai thác một số toa xe tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48 để chuyển sang dòng mới hơn. Do đó, nếu VNR có nhu cầu, JR East sẵn sàng chuyển giao miễn phí 37 toa xe, phía Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan như nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định Việt Nam.
Theo đại diện VNR, các toa xe Kiha 40 và Kiha 48 là loại toa xe tự vận hành, chuyên chở khách, được sản xuất từ năm 1979-1982. Toa xe trang bị ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tàu với quy mô tùy theo nhu cầu sử dụng.
Đến nay, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. Đại diện VNR cho rằng, chi phí nhập các toa xe này và sửa chữa để phù hợp với khổ ray thấp hơn nhiều chi phí đóng mới hoặc mua toa xe cũ của nước khác.