Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp thu, giải trình và trả lời chất vấn

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục diễn ra trong sáng nay 8/6.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục có 80 phút trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Hiện ít nhất còn 5 câu hỏi đã được đặt ra trong phiên làm việc chiều 7/6 cần được các tư lệnh ngành giải trình.

Đại biểu Lâm Văn Đoan (đoàn Lâm Đồng) đặt 2 vấn đề: Thứ nhất, Quốc lộ 27 là đường giao thông trọng yếu, có tính chất liên vùng, cần ưu tiên. Công trình này đã được đầu tư từ năm 2008 đến nay là 15 năm, tuy nhiên còn một số đoạn ngắn khoảng 20km chưa hoàn thành và cử tri đã liên tục kiến nghị qua 2 nhiệm kỳ gần đây nhưng các bộ ngành liên quan đều trả lời chưa bố trí được vốn. Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết khi nào thì có thể hoàn thành tuyến đường này, lộ trình và giải pháp thực hiện?

Thứ hai, tuyến đường tránh thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã khởi công từ năm 2017, thuộc dự án đầu tư cải tạo quốc lộ 20, với kinh phí khoảng 800 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay đã hoàn thành 70% khối lượng nhưng do vướng mắc nguồn vốn sau 6 năm thì vẫn chưa hoàn thiện. Điều này cần giải pháp sớm hoàn thành công trình để đảm bảo an toàn giao thông, tránh lãng phí hiệu quả đầu tư công.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa): Tháng 1/2022, Quốc hội đã có Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, theo đó cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về miễn cấp giấy phép khai thác mỏ, khoáng sản làm vật liệu thông thường khác với Luật Khoáng sản để phục vụ hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2015.

Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri và doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vật liệu thông thường trên thực tế như đất, cát, san nền là rất khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vướng mắc, khó khăn là do đâu, có phải còn khó là do quy định của pháp luật hay là do việc thực hiện của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cùng với đó là giải pháp khắc phục trong thời gian tới để hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo đúng thời hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu câu hỏi: Với chiều dài hơn 3.200km bờ biển, nước ta rất có tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó có vận tải bằng đường biển. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư, khai thác sử dụng chưa xứng tầm với lợi thế vốn có. Theo Bộ trưởng thì cần những giải pháp gì nhằm phát huy hơn nữa phương thức vận tải này để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cũng như tạo động lực cho sự phát triển của các tỉnh, thành có biển?

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đề nghị thông tin về tiến độ và cam kết thời gian hoàn thành Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2022).

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) chất vấn: Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát, tham mưu Thủ tướng về việc giao UBND thành phố Cần Thơ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Xin hỏi Bộ trưởng đã thực hiện nội dung này như thế nào và lộ trình giải pháp tới đây ra sao?

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có 90 phút để làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hoan nghênh những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội về các đề án luật, báo cáo của Chính phủ. Phó Thủ tướng cho rằng, nội dung Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và hầu hết các ý kiến phát biểu thảo luận tại Tổ, Hội trường đều đánh giá cao những thành quả trong việc kiểm soát dịch COVID-19, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn cũng như các chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cũng thẳng thắn đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực.

"Chính phủ xin trân trọng lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu để tập trung khắc phục và giải quyết hiệu quả hơn. Trong 2 ngày qua, đã có 4 Bộ trưởng trực tiếp trả lời chất vấn; 2 Phó Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn. Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 5 năm 2023 và tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn"- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Cuối giờ sáng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.

Theo chương trình là việc buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh./.

Nam Sơn/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/truc-tiep-pho-thu-tuong-le-minh-khai-tiep-thu-giai-trinh-va-tra-loi-chat-van-post1025151.vov