Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện

Thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng các nguồn điện xanh, sạch và ban hành các cơ chế thúc đẩy huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.

Sáng 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo Chương trình Phiên họp thứ 36

Sáng 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo Chương trình Phiên họp thứ 36

Sáng 22/8/2024, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Cuối phiên chất vấn, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ về 7 lĩnh vực.

Trong đó, đối với lĩnh vực Công Thương, Phó Thủ tướng cho biết, về bảo đảm an ninh năng lượng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Đã chỉ đạo quyết liệt xây dựng dự án Luật Điện lực sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển nhằm đa dạng các nguồn điện xanh, sạch như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Đã ban hành Nghị định số 80 quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là khuyến khích thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh công khai, minh bạch; huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định về cơ chế điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch, góp phần phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ

Để bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, bám sát thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, sát thực tiễn, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, không để xảy ra thiếu hụt nguồn trong mọi tình huống; quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, đúng quy định.

Tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, buôn lậu, gian tận thương mại, đầu cơ xăng dầu. Kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý xăng dầu, dự trữ quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, ban hành Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Về phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.

Tình hình thị trường hàng hóa trong nước tương đối ổn định. Nguồn cung và các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Khai thác, phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết và phát triển các thị trường mới. Cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá ngoại hối, tạo việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm sau: Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, triển khai các giải pháp thích đầu tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thị trường lớn; khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về các FTA cho doanh nghiệp và người dân.

Về công tác quản lý thị trường, thực hiện Nghị quyết số 499 ngày 28/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, quán triệt các Bộ, ngành và địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện, theo đó, lực lượng quản lý, quản lý thị trường toàn quốc đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra trên 190.000 vụ, chuyển cơ quan điều tra 406 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đồng thời đã có 102 cán bộ, công chức bị kỷ luật, 23 công chức bị khởi tố.

Để đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau: Tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, thực hiện có hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt.

"Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, cần tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành như các đại biểu Quốc hội đã nêu trong một ngày rưỡi vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết liệt hơn nữa trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Chính phủ đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 2024, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.

Phương Chi

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/pho-thu-tuong-le-thanh-long--huy-dong-nguon-luc-tu-xa-hoi-de-phat-trien-nguon-dien-125637.htm