Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quản lý phát triển đô thị còn nhiều tồn tại
Sáng 4/11, trong phiên chất vấn đối với ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu làm rõ một số nội dung liên quan lĩnh vực này.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề mới, chưa có tiền lệ
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, trong phiên chất vấn đối với ngành xây dựng, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn nhiều vấn đề về quy hoạch tổng thể quốc gia, quản lý phát triển đô thị, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.
Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ đã trả lời khá rõ và đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Thay mặt Thủ tướng chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể.
Về tiến độ lập quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, Phó Thủ tướng cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch. Việc ban hành Luật Quy hoạch là sự đổi mới rất căn bản về phương pháp, tư duy, khắc phục việc chia cắt, manh mún, chồng chéo trong công tác quy hoạch. Luật đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới.
Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ. Do vậy, mặc dù Luật đã có hiệu lực nhưng việc lập các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc.
Để tháo gỡ khó khăn này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết 61/2022/QH15, trong đó cho phép lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, các khu vực đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại, hạ tầng giao thông cải thiện, làm thay đổi diện mạo đô thị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc quản lý phát triển đô thị còn có những tồn tại, hạn chế như: việc cải tạo chung cư cũ còn chậm, nhiều khu vực nhà cũ đã lâu không tu sửa có nguy cơ mất an toàn, tỷ lệ cây xanh, công viên, vườn hoa, đất phúc lợi, đất công cộng còn thấp…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng chưa được thực hiện hiệu quả, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Chất lượng nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, chưa đáp ứng được yêu cầu; mật độ nhà cao tầng quá lớn gây quá tải cho hạ tầng đô thị. Có nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu, phải làm đi làm lại nhiều lần, gây mất rất nhiều thời gian.
Phó Thủ tướng nêu rõ, để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn chất vấn, tổ chức thẩm tra, thẩm định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng.
Cùng với đó, khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Quy hoạch đô thị còn lộn xộn, thiếu không gian ngầm
Trước đó, mở đầu phiên chất vấn sáng 4/11, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục trả lời câu hỏi của các đại biểu trong chiều ngày 3/11.
Đối với thực trạng không gian ngầm đô thị đang thiếu, chưa đồng bộ với quy hoạch chung mà đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đặt ra, Bộ trưởng Nghị thừa nhận chưa có luật riêng điều chỉnh quy hoạch không gian ngầm đô thị. Vấn đề này chỉ được quy định trong các luật chuyên ngành nên quy hoạch về không gian ngầm chưa cụ thể, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về không gian ngầm.
"Hiện nay đã có một số công trình ngầm, sử dụng không gian ngầm để xây dựng các trung tâm thương mại, khu dịch vụ đa chức năng nhưng đều mang tính cục bộ, chưa liên kết với quy hoạch cả đô thị", Bộ trưởng Xây dựng nói và cho biết, chỉ có Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch chung ngầm đô thị tới 2020 và tầm nhìn 2030, còn TP. HCM vẫn đang triển khai.
Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu bổ sung quy định không gian ngầm và sửa đổi bổ sung vào Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Xây dựng cũng như luật riêng về quy hoạch không gian ngầm đô thị. Bộ cũng sẽ đề xuất bổ sung các nội dung liên quan sử dụng đất, sử dụng không gian ngầm, quản lý không gian ngầm, công trình ngầm...
Đối với vấn đề kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển lộn xộn, kể cả ở nông thôn và đô thị, thiếu dấu ấn đặc trưng dân tộc, vùng miền và giai đoạn mà đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sau khi định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý kiến trúc Việt Nam có bản sắc và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nước ta.
Về giải pháp, ông Nghị nói sẽ triển khai đầy đủ định hướng này, nâng cao công tác quản lý, phát triển kiến trúc Việt Nam, cải thiện những tồn tại trong kiến trúc đô thị, nông thôn. Bộ cũng nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kiến trúc cảnh quan ở đô thị, nông thôn; mẫu thiết kế điển hình; tăng cường kiểm tra ở các địa phương.
Ngoài ra, ông cho biết, Bộ Xây dựng cũng tập trung xây dựng đề án về phát triển kiến trúc Việt Nam bền vững, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc quốc gia; tăng cường phối hợp các tổ chức quy hoạch, kiến trúc để tăng tính phản biện.
Ông đề nghị các địa phương quan tâm, nâng cao, cải tạo kiến trúc cảnh quan, bảo vệ các công trình đặc trưng cho khu vực nông thôn, nhất là không gian công cộng, văn hóa, đô thị.
Kết thúc phiên chất vấn sáng nay với Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị vẫn còn 25 đại biểu có câu hỏi chưa được chất vấn do không đủ thời gian, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Xây dựng trả lời bằng văn bản.
Nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Nghị, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn nhưng với kinh nghiệm quản lý, Bộ trưởng đã chuẩn bị tốt nội dung, trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng và đề xuất được giải pháp khắc phục bất cập.