Phó Thủ tướng: 'Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, cần dành nguồn lực tương xứng'

Đặt yêu cầu cần coi việc phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, từ đó dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương...

Hôm nay 12/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII 2023 với chủ đề: Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp được tổ chức tại Hà Nội.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh về vai trò của khu vực kinh tế tập thể đến sự phát triển của nền kinh tế.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh về vai trò của khu vực kinh tế tập thể đến sự phát triển của nền kinh tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhắc tới, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã khẳng định: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị". Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu Việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tập thể không chỉ có vai trò phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định sự kiên định đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Hiện nay, trong hơn 31 nghìn hợp tác xã có hơn 20 nghìn hợp tác xã nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số hợp tác xã cả nước; trong gần 6 triệu thành viên hợp tác xã có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên; nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, an sinh, công bằng xã hội, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đặc biệt là những lao động yếu thế trong xã hội. Từ nền tảng là các chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nhau làm giàu, phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân các cấp đã vận động thành lập được gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20.000 tổ hợp tác nông nghiệp.

"Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Hội Nông dân Việt Nam, góp phần cùng với các cấp các ngành, địa phương cụ thể hóa mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, đó là đến năm 2030, cả nước có 45.000 hợp tác xã và 140.000 tổ hợp tác với khoảng 10 triệu thành viên tham gia", Phó Thủ tướng đánh giá.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, các hợp tác xã hiện nay cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, Hội Nông dân Việt Nam cần xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, đề nghị Hội Nông dân các cấp tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới được nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hơn nữa trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. HTX, tổ hợp tác mới được thành lập phải hoạt động hiệu quả, thiết thực, có sự liên kết theo chuỗi với nhau; đồng thời, phải tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa hợp tác xã/tổ hợp tác với doanh nghiệp; với nhà nước; nhà khoa học; ngân hàng. Phấn đấu mục tiêu chung là đến năm 2030, cả nước sẽ có 45.000 hợp tác xã với 2 triệu thành viên tham gia.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng nhắc tới yêu cầu, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể. Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.

Xây dựng và quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với hợp tác xã, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn. "Coi việc phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, từ đó dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển của các hợp tác xã/tổ hợp tác", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, một yếu tố hết sức quan trọng là các hợp tác xã phải chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị; các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

"Kinh tế tập thể, hợp tác xã là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhất là những người dân yếu thế, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, hợp tác xã chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

"Tôi hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, trong thời gian tới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta sẽ sớm phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước", Phó Thủ tướng kỳ vọng.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, thống kê đến nay các cấp Hội Nông dân cả nước đã vận động thành lập được tới gần 3.800 hợp tác xã và khoảng 20.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề khác.

Doanh thu bình quân hàng năm của mỗi HTX đạt trên 5,5 tỷ đồng (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng) và trên 400 triệu đồng/tổ hợp tác (lợi nhuận đạt trên 41 triệu/tổ hợp tác); trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%). Bên cạnh đó, các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/pho-thu-tuong-apos-phat-trien-kinh-te-tap-the-la-nhiem-vu-chinh-tri-xuyen-suot-can-danh-nguon-luc-tuong-xung-apos-1095930.html