Phó Thủ tướng Thường trực kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Thanh Hóa
Chiều 5/9, tại Thanh Hóa, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính trên địa bàn.
8 tháng đầu năm: Kinh tế phát triển vượt bậc
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2018 đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 22,18%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng, đạt 17.856 tỷ đồng (bằng 67% dự toán năm và tăng 55% so với cùng kỳ), thu nhập bình quân đầu người đạt 1.990 USD, cả tỉnh có 3 huyện, 312 xã, 799 thôn đạt chuẩn nông thôn mới.
Về kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về CCHC. Đồng thời, ban hành các chỉ thị, nghị quyết về cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết liên quan đến sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện giảm 76 xã, phường, thị trấn
Đặc biệt, Thanh Hóa đã hoàn thành sáp nhập 3.100 thôn/tổ dân phố để thành lập 1.552 thôn/tổ dân phố (giảm 1.578 thôn/tổ dân phố, tương đương với 26% tổng số thôn/tổ dân phố toàn tỉnh); sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính của 3 xã để thành 67 xã, phường, thị trấn (giảm 76 đơn vị cấp xã so với hiện nay, từ 635 xã xuống còn 559 xã).
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng có tính đến các yếu tố đặc thù về diện tích, dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và quy mô kinh tế. Trong đó, có thể giao cho địa phương căn cứ tình hình cụ thể để bố trí, sắp xếp cấp phó của các đơn vị cho phù hợp với tình hình địa phương.
Cụ thể, cần xem xét tăng thêm Phó Giám đốc sở cho các sở, ngành thuộc khối UBND tỉnh bởi Thanh Hóa là tỉnh lớn với 3,64 triệu dân, 27 đơn vị cấp huyện, số lượng công việc nặng nề, nếu cứ quy định cứng nhắc như hiện nay thì sẽ rất bất cập trong quá trình giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện không đạt hai tiêu chí về dân số và diện tích, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành xem xét giảm đến 76 xã, phường, thị trấn; có nhiều giải pháp để ổn định tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, phường được sáp nhập để chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phát huy lợi thế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, dân số đông, con người hiếu học, chịu thương chịu khó, vùng đất có bề dày văn hóa, nhiều di tích lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, tiềm năng lớn như Khu kinh tế Nghi Sơn, nhiều bãi biển đẹp cần được khai thác…
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy thế mạnh, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn tìm hiểu và đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với các huyện miền núi còn nhiều khó khăn hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, công tác cải cách thể chế đã được quan tâm triển khai, nhất là việc tập trung tháo gỡ các rào cản cho hoạt động đầu tư, sản xuất. Tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tập trung rà soát, xử lý các văn bản hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức theo dõi thi hành pháp luật để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật ở các lĩnh vực: Điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên môi trường; y tế; lao động, thương binh và xã hội; sắp xếp các trường học trên địa bàn.
Tỉnh đã công khai, minh bạch thủ tục hành chính, triển khai tương đối toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện, tạo sự chuyển biến rõ nét chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân và doanh nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện Trung tâm phục vụ hành chính công, hệ thống một cửa điện tử, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cấp huyện, cấp xã
Trong đó có việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tương ứng với giảm 10.500 người hoạt động không chuyên trách; tinh giản biên chế, trong đó năm 2018 với 418 người và năm 2019 với 475 người; thực hiện thi tuyển công chức hành chính theo hướng công khai; 100% các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh được kết nối với hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng…
“Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập mà Thanh Hóa đang gặp phải.
Đó là, việc xử lý các văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra còn chưa kịp thời; công khai chưa đầy đủ tình hình, kết quả thực hiện trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong toàn tỉnh còn thấp. Có trường hợp bổ nhiệm công chức sai quy định nhưng chưa được phát hiện kịp thời để chấn chỉnh, xử lý. Một số sở, ngành, huyện chưa thực sự quyết liệt trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên kết quả đạt được chưa thực sự cao. Công tác tuyên truyền cần đa dạng các hình thức, phù hợp hơn với điều kiện, tập quán của từng vùng miền.
Đồng thời lưu ý cả việc truyền thông nội bộ để tăng cường sự tham gia, chung tay của người dân, doanh nghiệp; thống nhất nhận thức từ lãnh đạo tới cán bộ, công chức; phát huy được vai trò giám sát của các cơ quan đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương.
Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phải phát huy được các tiềm năng, thế mạnh lớn của Thanh Hóa trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác cải cách hành chính với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công tác cải cách hành chính của bộ, ngành để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ, thống nhất trong CCHC của từng ngành, lĩnh vực, góp phần “xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu”.
Gắn CCHC với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”.
“Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, làm cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ là “công bộc của dân”, phải “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, liêm, chính, kiệm, cần”. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện, sửa đổi, bổ sung những văn bản sai thẩm quyền, có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là tiếp tục kịp thời tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc giải quyết quá hạn. Không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; bảo đảm đúng nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, gắn kết chặt với chính sách tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền giải quyết công việc gắn quyền hạn với trách nhiệm trong công tác tổ chức bộ máy và cán bộ.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ của tỉnh thời gian vừa qua. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực“, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.
Tổ chức triển khai xây dựng Chính quyền điện tử phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững. Trước mắt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị tỉnh tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá; triển khai việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.
Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu, trả lời hoặc xử lý các kiến nghị của tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy CCHC của tỉnh trong thời gian tới.