Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc cùng 5 tỉnh, thành miền Trung về giải ngân vốn đầu tư công

Chiều 11/10, tại tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã có buổi làm việc với các địa phương gồm: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 55.718,3 tỷ đồng, các địa phương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.656 tỷ đồng.

Uớc thanh toán đến hết ngày 30/9 của các địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 25.746,9 tỷ đồng, đạt 46,21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (47,29%) và thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (52,99%).

Chi tiết tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn NSNN của 5 địa phương tham dự cuộc họp như sau: Tỉnh Thừa Thiên - Huế giải ngân 4.068,4/6.957,9 tỷ đồng được giao, đạt 58,47%. Thành phố Đà Nẵng giải ngân 3.520/7.291,9 tỷ đồng được giao, đạt 48,27%. Tỉnh Quảng Nam giải ngân 2.672,9/6.520,6 tỷ đồng được giao, đạt 40,99%. Tỉnh Quảng Ngãi giải ngân 2.305,3/6.902,9 tỷ đồng được giao, đạt 33,40%. Tỉnh Bình Định giải ngân 5.456,1/7.865,7 tỷ đồng được giao, đạt 69,37%.

Như vậy, trong số 5 địa phương nêu trên, có 3 địa phương gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định có tỷ lệ giải cao hơn mức trung bình của cả nước và 2 địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc mà các địa phương báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhìn chung, các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 5 địa phương tham dự cuộc họp cũng là các khó khăn, vướng mắc chung của cả nước, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Hội nghị của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết trong những tháng cuối năm địa phương sẽ tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết trong những tháng cuối năm địa phương sẽ tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý nhưng có Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, địa phương đã thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Các Tổ công tác đã thực hiện kiểm tra thực tế 17 đơn vị, địa phương để giải quyết các vướng mắc cụ thể nhằm đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, qua các buổi kiểm tra nhận thấy việc giải ngân chậm do một số nguyên nhân chủ yếu như: Do công tác tổ chức triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã phân công Ủy viên Ban Thường vụ Huyện - Thị - Thành ủy phụ trách đứng điểm một số công trình trọng điểm nhưng công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, do việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn…

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng nhiều cán bộ sợ sai, trách nhiệm nên công việc còn trì trệ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng nhiều cán bộ sợ sai, trách nhiệm nên công việc còn trì trệ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, ngoài những khó khăn địa phương đã nêu, trong 7 tháng khuyết lãnh đạo tỉnh, kể cả Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường là những đơn vị quan trọng trong khâu giải ngân, điều này cũng có ảnh hưởng. Một số đội ngũ cán bộ còn tâm lý sợ sai, chưa dám làm.

Ngoài ra, các địa phương như tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét phân cấp, giao trách nhiệm cho các địa phương trong quá trình lập, thẩm định dự án và lập, thẩm định thiết kế thi công để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện các dự án tu bổ di tích cấp quốc gia.

Thành phố Đà Nẵng đề nghị bổ sung nội dung một số nội dung vào Luật Đầu tư công sửa đổi và quy định cụ thể là thành phần chi phí trong kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án và được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.

Tỉnh Bình Định đề nghị xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương hỗ trợ địa phương triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku…

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, bức tranh giải ngân đầu tư công có chuyển biến, trong 5 tỉnh, thành báo cáo, có 2 địa phương có chỉ số thấp sâu có đặc thù riêng do chậm kiện toàn cán bộ lãnh đạo nên khó khăn.

Về các khó khăn, vướng mắc mà địa phương nêu Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành ghi nhận đầy đủ các ý kiến, vấn đề nào thuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành thì giải quyết, vấn đề nào còn vướng thì báo cáo Chính phủ. Chỉ thị Thủ tướng nêu rõ vai trò giải ngân đầu tư công rất quan trọng đến tăng trưởng kinh tế. Do đó, dù khó khăn thế nào cũng phấn đấu đạt được chỉ tiêu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ và theo dõi sát tình hình địa phương. Những giải pháp Chính phủ đưa ra khá đầy đủ cần nghiên cứu áp dụng. Các giải pháp cũng cần tập trung gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng…

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh tỉnh Quảng Nam đã thành lập được các Tổ công tác giải quyết các vấn đề, đẩy nhanh giải ngân vốn, đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành khác cần học tập.

“Quá trình đôn đốc giải ngân vốn cũng phải có kiểm tra, giám sát, tiến độ giải ngân ở các cơ sở, cử cán bộ có chuyên môn cấp tỉnh hỗ trợ địa phương. Về trách nhiệm, đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh xác định trách nhiệm chính trị trong giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương cần nỗ lực hết sức, quyết liệt cùng với Chính phủ thực hiện mục tiêu giải ngân 95%”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu.

Thanh Đức

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-nguyen-hoa-binh-lam-viec-cung-5-tinh-thanh-mien-trung-ve-giai-ngan-von-dau-tu-cong-385927.html