Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông

Ngày 21/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Cuộc họp tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện và công tác nhân sự, đặc biệt là việc sáp nhập 3 tỉnh này thành một tỉnh mới mang tên Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc.

Buổi làm việc này là lần thứ hai Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với 3 địa phương về nội dung này, tiếp nối cuộc họp trước đó vào ngày 19/4 tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận.

Phó Thủ tướng Thường trực bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy tinh thần đồng thuận, đoàn kết và thống nhất cao giữa 3 tỉnh trong việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ đã được thống nhất.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh sự chủ động và tích cực của các địa phương trong việc thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp bộ máy, chuẩn bị Đại hội Đảng và đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống nhân dân. Mọi hoạt động của các địa phương được đảm bảo liên tục, liền mạch, không bị đứt gãy.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng sẽ được nhập thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, với trung tâm hành chính-chính trị đặt tại TP. Đà Lạt. Đến nay, 3 tỉnh đã phối hợp trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội về nhiệm vụ hợp nhất và quyết định số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lâm Đồng mới.

Dự kiến, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có tổng số 124 xã, phường. Cụ thể, Lâm Đồng hiện tại từ 137 xã, phường, thị trấn sẽ giảm xuống còn 51 xã, phường mới; Bình Thuận từ 121 xã, phường, thị trấn xuống còn 45 xã, phường mới; và Đắk Nông từ 71 xã, phường, thị trấn xuống còn 28 xã, phường mới.

Về tổ chức bộ máy, các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị của 3 địa phương đã phối hợp xây dựng Đề án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình HĐND tỉnh Lâm Đồng mới ban hành nghị quyết thành lập sở, ngành, đơn vị ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập tỉnh Lâm Đồng mới.

Về cơ bản, việc xây dựng Đề án, chuẩn bị phương án nhân sự, biên chế và cơ sở vật chất đã hoàn thành, đảm bảo không gián đoạn trong quá trình chuyển giao, sắp xếp bộ máy.

Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định việc sắp xếp, thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cơ bản thuận lợi, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương và sự đồng thuận của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh việc triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận.

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, việc hợp nhất sẽ hình thành các đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn để có không gian phát triển, thu hút đầu tư, góp phần tái cơ cấu không gian phát triển giữa nông thôn-đô thị, giữa trung tâm-vùng sâu xa.

Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy còn giúp giảm thiểu sự chồng chéo, rườm rà, làm cho công tác điều hành linh hoạt, nhanh chóng hơn, cải thiện sự phối hợp và tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ quan trọng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận khẳng định việc triển khai quyết liệt các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo các mục tiêu đề ra. Tỉnh Bình Thuận cũng luôn phối hợp tốt với Tỉnh ủy Lâm Đồng và Đắk Nông trong quá trình triển khai Đề án sáp nhập.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương cũng nêu lên một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi còn gặp khó khăn trong việc phân bổ lại nguồn lực hợp lý, việc hợp nhất các đơn vị hành chính, tổ chức dẫn đến một số "xung đột" trong công việc.

Số lượng đơn vị hành chính, cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp nhiều, phạm vi rộng phần nào cũng tác động đến tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, còn có những khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã do Trung ương chưa ban hành các quy định về vấn đề này.

Các địa phương cũng nêu lên các kiến nghị, đề xuất với Trung ương. Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã, cũng như hướng dẫn rõ hơn về mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, định mức biên chế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp xã sau khi sáp nhập.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành Khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã để các địa phương làm căn cứ cụ thể hóa, ban hành quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã khi thành lập mới.

Các địa phương cũng đề nghị nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủy quyền cho UBND các tỉnh quyết định hợp nhất cơ quan hành chính đặc thù và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh sau khi hợp nhất.

Trong buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương cũng báo cáo cụ thể về công tác phối hợp chuẩn bị đại hội Đảng, đặc biệt là việc xây dựng dự thảo văn kiện, tiêu chuẩn và phương án nhân sự.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự vui mừng khi chủ trương sáp nhập 3 tỉnh được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và sự đồng thuận, thống nhất của lãnh đạo các tỉnh.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đây chính là "ý Đảng hợp lòng dân", mong muốn các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong thực hiện nhiệm vụ chung, đặc biệt là trong xây dựng văn kiện đại hội và bố trí, sắp xếp nhân sự.

Về công tác bố trí, sắp xếp nhân sự, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo các địa phương phải bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để làm đúng, chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Tiêu chuẩn cán bộ phải đặt lên hàng đầu, bao gồm năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và uy tín. Việc sắp xếp cán bộ cần đảm bảo hài hòa giữa các địa phương trên tinh thần đặt nhiệm vụ chính trị, tiêu chuẩn và năng lực hoàn thành nhiệm vụ lên trên hết.

Quá trình này cần được thực hiện từ trên xuống và từ dưới lên để đảm bảo tiến độ, yêu cầu, mục tiêu đề ra, sớm hình thành bộ máy mới hoạt động trơn tru.

Bình An

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-nguyen-hoa-binh-lam-viec-voi-3-tinh-lam-dong-binh-thuan-va-dak-nong-479572.html