Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi để thích ứng với hạn mặn

Ngày 7-4, tại tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh có buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về công tác phòng chống hạn mặn.

 Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng cống Trà Tân, Ba Rài để khép kín vùng dự án Bảo Định mở rộng nhằm bảo vệ khoảng 130.000ha đất sản xuất nông nghiệp cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An; trong đó có 70.000ha diện tích vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của tỉnh Tiền Giang.

Đồng thời, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh Tiền Giang nâng cấp, mở rộng ao chứa nước Phú Thạnh 10ha và ao Tân Thới 6ha, với kinh phí 160 tỷ đồng để phục vụ cho người dân huyện Tân Phú Đông; nâng cấp, mở rộng ao Gia Thuận 10ha, ao Bình Thành 30ha, ao Gò Gừa 15ha, kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng để phục vụ cho người dân huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh trong vùng ĐBSCL báo cáo về tình hình phòng chống hạn mặn tại địa phương. Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ địa phương triển khai công tác phòng chống hạn mặn…

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong phòng chống hạn mặn. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong bối cảnh hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng khốc liệt, khó khăn hơn.

Tiền Giang và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thủy lợi, phi công trình cho thấy, các tỉnh đã kiểm soát được tình hình hạn mặn. Đặc biệt, với sự chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính xác và sự điều hành sản xuất của vùng, so với các đợt hạn mặn trước đây, mùa khô năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các địa phương hầu hết không ảnh hưởng.

Thiếu nước sinh hoạt có xảy ra, nhưng mang tính cục bộ tại các địa phương. Về cơ bản, người dân vẫn được cung cấp nước tập trung từ nhà nước hoặc hình thức công tư. Các địa phương hết sức trách nhiệm trong cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Cụ thể, như Tiền Giang, dựa trên những dự báo của cơ quan chuyên môn, đối với những nơi có khả năng thiếu nước đã được tỉnh chủ động.

Đến nay, nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn năm nay chưa gay gắt bằng thời điểm năm 2019-2020, nhưng gay gắt hơn nhiều năm. Tuy nhiên, các địa phương đã có những kế hoạch, công trình, đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành, phát huy tại chỗ, cung cấp nước tập trung, cung cấp thông tin và sự tham gia, nhận thức của người dân trong dự trữ nước…

Phó Thủ tướng cho rằng, kinh nghiệm trong ứng phó hạn mặn của các địa phương cần có tầm nhìn đối với đồng bằng và đặt trong bối cảnh tình hình sẽ cực đoan hơn do thiếu lượng nước ngọt từ thượng nguồn. Do đó, chúng ta phải chủ động chung sống với hạn mặn và có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trên toàn vùng cũng như địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi theo phân bổ dựa trên tính chất của nguồn nước. Về lâu dài, các địa phương phải tính toán kết nối các nhà máy cung cấp nước để đưa nước sạch về cho người dân. Đồng thời, đối với các vùng dân cư thưa, địa bàn khó khăn, cần xem xét bố trí lại dân cư, kể cả khu vực sạt lở.

Vùng duyên hải, ven biển phải xem xét lại cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, thủy sản, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và ứng dụng công nghệ thích ứng. Cần phải tính toán có những trạm cấp nước mà khu vực lấy nước nằm sâu trong vùng nước ngọt; đầu tư hệ thống đảm bảo công suất và duy trì lâu dài.

 Người dân các tỉnh vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt phải đến lấy tại các điểm công cộng do địa phương lắp đặt

Người dân các tỉnh vùng ĐBSCL thiếu nước ngọt phải đến lấy tại các điểm công cộng do địa phương lắp đặt

Theo báo cáo, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống hạn mặn bảo vệ sản xuất và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang).

Đối với khu vực phía Tây, nước sinh hoạt cấp cho người dân được đảm bảo. Còn khu vực phía Đông, Nhà máy nước Đồng Tâm hoạt động, sản xuất ổn định, công suất phát ra dao động 68.000-70.000m³/ngày đêm. Với lượng nước trữ trong hồ chứa, kết hợp bơm từ kênh Sáu Ầu - Xoài Hột và vận hành 6 giếng khoan dự phòng thì hoạt động sản xuất của Nhà máy nước Đồng Tâm cơ bản ổn định.

Hiện nay đã vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn nước tại các kênh, ao nội đồng đã cạn kiệt. Đa số các trạm cấp nước đang hoạt động cấp nước bình thường, một số trạm do thiếu nguồn nước thô nên đã giảm công suất sản xuất hoặc ngưng sản xuất phát nước.

Khu vực các huyện thị phía Đông thiếu hụt khoảng 25.000m³/ngày đêm. Công ty cấp nước Tiền Giang đang thực hiện điều tiết cấp nước theo ngày, theo khu vực để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân và phối hợp với UBND các huyện, thị xã phía Đông mở vòi nước công cộng tại các khu vực khó khăn, thiếu nước để người dân đến lấy miễn phí phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã mở đã mở 101 vòi, tổng lượng nước đã cấp đến hiện tại là 6.344m³, số lượng vòi sẽ tiếp tục thay đổi trong thời gian tới. Ngoài ra, Công ty cấp nước Tiền Giang đã trang bị, vận chuyển 63 bồn chứa nước cấp nước miễn phí cho nhân dân ở một số khu vực thiếu nước nơi cuối nguồn đặt tại 40 điểm có nhu cầu lấy nước và để lên xe vận chuyển nước đến nơi sử dụng để cấp nước miễn phí cho nhân dân các khu vực cuối nguồn bị thiếu nước.

UBND các xã, thị trấn ở các huyện, thị phía Đông đã tổ chức lực lượng, phương tiện vận chuyển nước đến cấp nước miễn cho các hộ neo đơn, người già, không có điều kiện đi lấy nước ở các vòi, bồn nước công cộng.

Bên cạnh đó, nhiều mạnh thường quân, các nhà hảo tâm bằng các phương tiện thủy bộ (sà lan, xe bồn, xe chở nước các loại) đã vận chuyển nước ngọt đến phát miễn phí tại điểm tập trung dân cư, trung tâm xã, trạm y tế xã và tận nhà các hộ dân nghèo, neo đơn.

Riêng đối với huyện Tân Phú Đông, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn huyện trong thời điểm cao điểm nắng nóng hiện gần 10.000m³/ngày, thiếu 1.700m³/ngày. Công ty cấp nước Tiền Giang đã vận hành điều tiết cung cấp nước qua vòi công cộng. Hiện UBND tỉnh đang xem xét thời gian để vận chuyển nước ngọt bổ cấp cho 2 ao nước thô trên địa bàn huyện tân Phú Đông.

 Kênh mương cạn kiệt

Kênh mương cạn kiệt

Nhờ chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn, Tiền Giang đã bảo vệ thành công và cho thu hoạch 44.883ha lúa đông xuân 2023-2024; 21.720ha rau màu thực phẩm các loại; cung cấp đủ nước tưới cho 84.192ha cây ăn trái.

Hiện, hạn mặn chưa gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Công tác cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại cơ bản ổn định.

Công ty cấp nước Tiền Giang đã điều tiết phân vùng cấp nước cho từng khu vực ở các huyện, thị phía Đông bị thiếu nước do các ao chứa bị cạn không nguồn bổ cấp dẫn đến các trạm cấp nước phải ngưng sản xuất phát nước. Vì vậy, các khu vực trên địa bàn các huyện, thị phía Đông luân phiên có nước theo ngày. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi trường hợp khu vực cuối nguồn có lúc nước chảy yếu hoặc không chảy trong một thời gian nhất định.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành đến kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, kiểm tra tiến độ thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-co-cau-lai-cay-trong-vat-nuoi-de-thich-ung-voi-han-man-post734238.html