Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Lồng ghép chính sách vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp

Để có thêm các giải pháp trong phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF). VCSF năm 2023 có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”. Ảnh: VCCI cung cấp

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF). VCSF năm 2023 có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”. Ảnh: VCCI cung cấp

Ngày 23/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) lần thứ 10. VCSF năm 2023 có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền "vững”.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể của diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các cam kết của Việt Nam, các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên cần được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch và thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp; cần đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và tạo cơ hội mới cho đổi mới, tăng trưởng.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của nền kinh tế cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số định hướng mà cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp và của quốc gia. Theo đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng và thực hành những quy định, tiêu chí về phát triển bền vững; trong đó, có Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD-VCCI chủ trì xây dựng; cùng với đó là thúc đẩy thực hành Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đóng góp vào công tác bảo vệ tự nhiên, bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Để có thêm các giải pháp trong phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trong nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, chuyển đổi, thực hành sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững (VCSF) năm nay là năm thứ 10 được VCCI chủ trì tổ chức.

Trải qua một thập kỷ với những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, diễn đàn là dịp để Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về những xu thế, định hướng, chiến lược hướng tới phát triển bền vững đất nước và doanh nghiệp được chia sẻ những khó khăn, thách thức, những sáng kiến, những thực tiễn tốt về sản xuất, kinh doanh bền vững… để cùng nhau xác định, đề ra những mục tiêu trong giai đoạn kế tiếp.

Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ tại diễn đàn những thông tin cập nhật về các xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay, như: chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn, lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu; củng cố nguồn vốn con người; xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm và bình đẳng trong doanh nghiệp; thẩm thấu tư duy quản trị theo định hướng ESG từ ban lãnh đạo doanh nghiệp và công bố minh bạch thông tin thông qua lập báo cáo bền vững.

Theo ông Vinh, đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp, không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.

Khi đã chuyển đổi về tư duy, các doanh nghiệp cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động. Đó là, chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh).

Diễn đàn có hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 30 diễn giả đã thảo luận sôi nổi về một số nội dung trọng tâm như: đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá ESG trong doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh.../.

Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-long-ghep-chinh-sach-vao-thuc-tien-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep/304043.html