Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô

Đánh giá của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới, gồm cả đất hiếm nặng và nhẹ.

Chiều 4/6, sau khi Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm rõ thêm các vấn đề về vật liệu xây dựng, đất hiếm, về quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trên góc độ liên ngành, liên vùng, liên địa phương.

Nguyên vật liệu cát sẽ được giải quyết tốt

Đối với vấn đề vật liệu xây dựng, theo Phó Thủ tướng, đã có quy định phân cấp cho địa phương, nhưng do vướng mắc về quy trình, thủ tục nên việc phân cấp còn chậm trễ, kéo dài.

Ông Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù, trong đó có liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa các thủ tục.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh Như Ý

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh Như Ý

Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt đối với các giải pháp cho các vùng gặp khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm về nguồn cát biển và ban hành các hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo ông Trần Hồng Hà, việc đánh giá, nghiên cứu thử nghiệm đối với từng khu vực khai thác, đối với từng công trình là hết sức cần thiết.

“Đối với ĐBSCL, chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ việc cung cấp cát cho các dự án cao tốc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo bổ sung nguồn khác, trong đó nghiên cứu nhập cát từ nước ngoài, dùng đá xay thay thế vật liệu cát”, ông nói.

Tổng lượng đất hiếm Việt Nam chiếm 18% trên thế giới

Liên quan đến đất hiếm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đánh giá của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết, tổng lượng đất hiếm ở Việt Nam chiếm 18% trên thế giới, gồm cả đất hiếm nặng và nhẹ.

Thực tế thị trường đất hiếm hiện nay tăng trưởng khoảng 4%/năm kể từ năm 2014 đến nay, do các nhu cầu sử dụng trong các lĩnh vực pin, nam châm, xe điện, ứng dụng hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường hết sức phức tạp, chủ yếu do các nước lớn chi phối.

Vì vậy, việc khai thác đất hiếm đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án thử nghiệm để điều tra, đánh giá trữ lượng, thành phần các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung - cầu của thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn (tỷ lệ đạt 99%).

“Chúng ta nhất quyết không xuất khẩu đất hiếm thô”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu sử dụng đất hiếm, qua đó, bảo đảm cung – cầu bền vững hơn. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư.

Tuyệt đối không chôn lấp rác

Vấn đề quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, Phó Thủ tướng cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường 2020 hết sức toàn diện, đầy đủ và cụ thể. Từ 1/1/2025, quy định bắt buộc phân loại rác tại nguồn có hiệu lực, đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ về nhận thức cho người dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Khẳng định tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác, theo ông Hà, vấn đề phân loại, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng là giải pháp hữu hiệu.

Các luật có liên quan đã coi xử lý rác thải là dịch vụ công của nhà nước, vấn đề là chọn được nhà đầu tư và công nghệ và Bộ TN&MT ban hành định mức đơn giá. Từ đó sẽ chọn được nhà đầu tư tốt nhất để giải quyết vấn đề này.

Liên quan đến xử lý chất thải y tế, Nghị định 08 của Chính phủ đã cụ thể hóa, cũng như Thông tư của Bộ Y tế đã ban hành các tiêu chí. Trong đó, ông Hà lưu ý quy chuẩn với các thiết bị liên quan lò đốt, các thiết bị xử lý theo hình thức không đốt để giải quyết ô nhiễm, mầm bệnh và xử lý nước thải.

Ngoài ra, ông Hà nhấn mạnh phải có cơ chế tài chính để các cơ sở y tế cấp xã và địa phương thực hiện nhiệm vụ này. Đã có quy định cụ thể đối với các địa phương như thu gom, vận chuyển, quản lý, xử lý thế nào, vấn đề là địa phương kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-nhat-quyet-khong-xuat-khau-dat-hiem-tho-post1643357.tpo