Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Phải xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường

Phó Thủ tướng yêu cầu Dự thảo Chỉ thị cần tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng không thay thế các nghị quyết, chỉ thị đã ban hành.

Chiều 21-5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, TP. Hà Nội, TP. HCM về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường (Dự thảo Chỉ thị).

Phó Thủ tướng chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị về bảo vệ môi trường, nhưng nhiều nội dung thực hiện chậm, chưa hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát và chế tài.

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường chưa hiệu quả, thiếu cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh. Ảnh: VGP

Trọng tâm là Hà Nội, TP.HCM

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong những năm qua, dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát hiệu quả.

Có nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường đất, nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề...

Bình quân hằng năm, lực lượng Công an phát hiện, xử lý hơn 600 vụ phạm tội hình sự và hơn 20.000 vụ vi phạm hành chính.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị. Trong Dự thảo Chỉ thị có những nội dung đang được triển khai như: Rà soát, đấu tranh, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, quy rõ trách nhiệm các ngành, cấp.

Đáng chú ý, khi xây dựng Dự thảo Chỉ thị, Bộ Công an đã có các cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội để thống nhất một số nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện ngay.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy cho biết Chỉ thị lần này tập trung vào các giải pháp trước mắt nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Như, ô nhiễm không khí và nước thải tại Hà Nội, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, ô nhiễm tại các lưu vực sông, và ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp, để ngăn chặn tình trạng lan rộng và kéo dài.

Bộ NN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong quá trình xây dựng Dự thảo Chỉ thị theo hướng tập trung vào xử lý những vấn đề thực tiễn nổi cộm như ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt. Bộ cũng đang hoàn thiện quy chuẩn về khí thải đối với xe mô tô, xe máy đang lưu hành; kiến nghị bổ sung trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng trong việc kiểm soát bụi, khí thải từ công trường xây dựng và Bộ Công Thương trong kiểm soát nguồn thải từ nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo thêm về lộ trình hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đề nghị bổ sung nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

Xác định lại trách nhiệm của thành phố trong công bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm, xây dựng hệ thống quan trắc.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố sẽ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị như xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, hệ thống quan trắc không khí tự động, xác định vùng phát thải thấp.

Kiến nghị phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường để nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý vi phạm môi trường; hỗ trợ người dân, chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, sạch…

Tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Chỉ thị. Trong đó cần nêu rõ tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.

Ngoài ra, Chỉ thị cần tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng không thay thế các nghị quyết, chỉ thị đã có mà bổ sung, tăng cường hiệu quả thực thi các chính sách đã được ban hành.

 Cần tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: VGP

Cần tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng giao các bộ: Xây dựng, NN&MT, Công Thương ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn môi trường cụ thể, xác định rõ thành phần ô nhiễm, quản lý phương tiện giao thông, nhiên liệu và phát thải, đặt ra mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể theo lộ trình đến năm 2030.

Bộ NN&MT chủ trì xây dựng hệ thống dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia, kết nối và chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương; chuyển hồ sơ cho Bộ Công an theo dõi, xử lý ở mức cao hơn đối với các khu vực, doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng đã thanh tra xử lý hành chính nhiều lần; nghiên cứu cơ chế sử dụng kinh phí xử phạt hành chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra môi trường.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất các cơ chế điều chỉnh thuế, phí dịch vụ môi trường.

Phó Thủ tướng lưu ý, các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị phải làm rõ phạm vi, đối tượng cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo, dẫm chân lên nhau.

"Những gì đã có luật pháp quy định thì phải triển khai ngay, không chờ đợi. Địa phương nào không thực hiện đúng thì Bộ NN&MT, Bộ Công an phải kiểm tra, báo cáo Chính phủ để xử lý".

Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP.HCM chủ động xây dựng và thực hiện các phương án cụ thể để giảm ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-phai-xu-ly-dut-diem-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-post851010.html