Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên
Sáng 20/9, tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất.
Hội đồng điều phối được thành lập theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, lãnh đạo, đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm: Lâm Đồng, Đắc Lắk, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối - trình bày báo cáo về một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên và kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối những tháng cuối năm 2023.
Hội nghị sẽ trung thảo luận các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, huy động hiệu quả nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông.
Các đại biểu sẽ thảo luận cho ý kiến về một số chính sách phát triển kinh tế rừng; chính sách phát triển du lịch gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hóa; chính sách giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…
Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc" là "nóc nhà của Đông Dương", thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là nơi gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước sinh sống.
Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.
Tuy nhiên vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, như GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp; giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.
Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp. Đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết.
Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường.
Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước.
Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Tại Hội nghị, các địa phương phản ánh nút thắt lớn nhất của vùng là kết nối giao thông nội vùng và giữa vùng với các địa phương, khiến Tây Nguyên vẫn đang phát triển dưới tiềm năng.
Bên cạnh đó, mức độ liên kết giữa các địa phương còn hạn chế, chủ yếu mới dừng lại ở mức trao đổi thông tin nên chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là những sản phẩm chủ lực chung như cà phê và sầu riêng.
Tình trạng di dân tự do không chỉ dẫn đến nguy cơ phá rừng để làm đất sản xuất, thậm chí chuyển nhượng trái phép đất ở, đất sản xuất, mà còn gây áp lực đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gặp vướng mắc do vướng quy hoạch bauxit; chưa khai thác tốt tiềm năng của rừng vào phát triển du lịch và nâng cao đời sống nhân dân.
Phản hồi ý kiến của địa phương, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch ngành, đề nghị các tỉnh sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh, làm căn cứ để triển khai các dự án đầu tư.
Với tầm quan trọng của Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng 8 tuyến giao thông tại vùng Tây Nguyên đến cuối năm 2030 với tổng chiều dài hơn 800km, trong đó có 4 tuyến phải hoàn thành trước 2025. Đây là nhiệm vụ nặng nề, vì thế Bộ trưởng đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông và Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng danh mục các dự án ưu tiên tập trung triển khai.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự ra đời của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên nhằm cùng các địa phương xây dựng cơ chế đủ mạnh và hiệu quả để bảo vệ bình yên và thúc đẩy sự phát triển của cả vùng Tây Nguyên.
Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, cần tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ: (i) Kết nối giao thông nội vùng và giữa vùng với khu vực phụ cận như TPHCM, ven biển miền Trung; (ii) phối hợp thu hút đầu tư chung, thay vì riêng lẻ, trong đó phải hết sức lưu ý nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào ngành nghề nào ở địa bàn và khả năng đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư vì sự phát triển chung cả khu vực; (iii) cố gắng tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tăng cường liên kết vùng nguyên liệu; (iv) thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với nhiệm vụ kết nối giao thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, cần có sự huy động vốn của Trung ương, địa phương và cả nhà đầu tư.
Với các tuyến đường liên kết giữa các địa phương, Phó Thủ tướng gợi ý các địa phương có thể cùng góp vốn đầu tư chung theo hướng địa phương nào mạnh hơn về nguồn lực đóng góp nhiều hơn; hoặc tham khảo kinh nghiệm của các địa phương khác, trong đó có Hải Phòng trong thực hiện các dự án hạ tầng kết nối với các địa phương lân cận.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó có lồng ghép nội dung chống biến đổi khí hậu.
Về những vướng mắc liên quan đến rừng, Phó Thủ tướng cho biết tới đây sẽ sửa Luật Lâm nghiệp theo hướng phân cấp, phân quyền cho địa phương; quản lý chặt chẽ thực trạng rừng; tăng mức khoán bảo vệ rừng để bà còn yên tâm hơn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho chuyển đổi số; chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị thảo luận về cơ chế cho vùng dự kiến diễn ra trong tháng 10/2023./.