Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Văn bản trả lời phải mạch lạc không dẫn điều khoản khiến địa phương phải lục tìm
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, cơ quan chủ quản chương trình mục tiêu quốc gia trả lời những kiến nghị của các tỉnh một cách mạch lạc, không dẫn chiếu điều khoản khiến địa phương phải lục tìm.
Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tiến độ thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia vào sáng 8-3, Bộ KH&ĐT cho biết tổng kế hoạch vốn cho ba Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 72.000 tỉ đồng, hiện giải ngân ước đạt khoảng gần 3.265 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 12% kế hoạch, cao hơn tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước.
Sớm có nghị quyết mới về điều chỉnh chủ trương đầu tư
Kết quả nêu trên phản ánh nỗ lực của Trung ương và địa phương trong việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản khung để quản lý, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cho biết trong thời gian tới, còn 7 nhiệm vụ quan trọng về hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn cần tiếp tục được hoàn tất.
Chẳng hạn, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 7 sắp tới, làm cơ sở để Ủy ban Dân tộc thực hiện quy trình sửa đổi quyết định đầu tư để trình Thủ tướng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7.
Với nghị định thay thế Nghị định 57/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ KH&ĐT đang tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo nghị định, dự kiến trình Chính phủ trong nửa đầu tháng 3.
“Ủy ban Dân tộc đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn và thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để ban hành trong tháng 3 này…” - Văn phòng Chính phủ cho hay.
Các địa phương cho rằng Trung ương đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản khung để quản lý, hướng dẫn thực hiện sau hàng loạt chuyến khảo sát thực tế ở cơ sở, qua đó giúp các địa phương đẩy nhanh được tiến độ triển khai các chương trình; định hướng hoàn thiện văn bản hướng dẫn trong thời gian tới cũng rõ ràng, mạch lạc.
Đặc biệt, hai Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua có thể áp dụng được ngay, nhất là trong bối cảnh Trung ương chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, các địa phương phản ánh bước đầu.
Các địa phương đều thể hiện cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư phát triển được giao, thậm chí cả 100% vốn sự nghiệp trong năm 2024.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành Trung ương rà soát tất cả các thông tư, quy định của mình, đặc biệt là những quy định liên quan đến những điều khoản trong Nghị quyết 111 của Quốc hội, xem còn vướng đâu thì chủ động đề xuất, sửa đổi.
Để chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, tránh lãng phí
Đối với 7 nhiệm vụ về thể chế còn lại, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận cuộc họp trong đó nêu rõ thời hạn phải hoàn thành những nhiệm vụ này.
Về kiến nghị của địa phương, lãnh đạo Chính phủ giao các bộ, cơ quan chủ quản chương trình phải có trách nhiệm trả lời hết sức cụ thể, mạch lạc, càng chi tiết càng tốt.
Phó Thủ tướng lưu ý: “Tránh hướng dẫn chung chung theo kiểu chỉ vào điều nào đó, khoản nào đó của một văn bản nào đó khiến địa phương phải lục tìm”.
Đánh giá cao các địa phương cam kết giải ngân hết 100% kế hoạch vốn, bao gồm cả vốn sự nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương vừa phải chú ý đến cả "tốc độ" và "chất lượng", điều đó đồng nghĩa với việc phải "quyết liệt hơn, nhanh hơn", vừa phải "đúng hơn và hiệu quả hơn" trong tổ chức thực hiện để các chương trình mục tiêu quốc gia mang lại hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đề cao việc giao việc cho cá nhân phụ trách theo đúng tinh thần chủ trương, nghị quyết của Đảng; rà soát các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của mình, tăng cường trao đổi những nội dung chưa rõ với các bộ, cơ quan Trung ương và với các địa phương khác.
Ba chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.