Phó Thủ tướng yêu cầu giữ lại phương pháp thặng dư khi định giá đất
Yêu cầu này được nêu trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Văn phòng Chính phủ công bố.
Theo đó, về các phương pháp định giá đất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp thu kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện nguyên nhân tồn tại của từng phương pháp; điều kiện áp dụng, đảm bảo bao quát hết các trường hợp, không để xảy ra khoảng trống, dẫn đến ách tắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Trên cơ sở đó, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi các quy định về nguyên tắc, phương pháp định giá đất được áp dụng phổ biến, rộng rãi trên thế giới và đã được áp dụng phổ biến tại Việt Nam (phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số) cùng với điều kiện áp dụng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế về dữ liệu đầu vào, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định để theo dõi, thống kê, giám sát, thu thập số liệu, biến động của thị trường đất đai nhằm đảm bảo dữ liệu đầu vào chính xác, tin cậy, phù hợp với thị trường. Những phương pháp này cần khắc phục được những tồn tại, hạn chế đã và đang hiện hữu trong thời gian vừa qua.
Quy định lộ trình áp dụng phương pháp định giá đất theo phương pháp vùng giá trị, thửa đất chuẩn khi có cơ sở dữ liệu giá đất thị trường. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, các trường hợp phải áp dụng các tổ hợp phương pháp để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, dữ liệu và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc nghiên cứu các ý kiến, góp ý của các cơ quan của Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý ở địa phương, cùng với đó tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Phó Thủ tướng cho rằng, Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trên tinh thần cầu thị, tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, nghiên cứu kỹ lưỡng những bất cập của pháp luật hiện hành, yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Tạo điều kiện đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền những vấn đề mới phát sinh, nhạy cảm, quan trọng.
Việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung đánh giá tác động, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học, thực tiễn của các vấn đề mới so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; hoàn thiện các quy định cụ thể, bảo đảm tính khả thi; giải trình đầy đủ các ý kiến và nêu rõ lý do giải trình để tăng tính thuyết phục về các đề xuất chính sách.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội, chủ động truyền thông về các chính sách trong dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận trong quá trình trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này.
Liên quan đến các phương pháp định giá đất hiện hành và những nội dung Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất; Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 về quy định chi tiết phương pháp định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất, định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, ngày 27/7/2023, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Định giá đất phù hợp để khơi thông dự án” với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà làm luật và nhiều doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà làm luật và các doanh nghiệp đều đồng thuận đề xuất cần giữ lại phương pháp thặng dư trong công tác định giá đất với những căn cứ khoa học và thực tiễn thuyết phục.
Các đề xuất, kiến giải tại Hội thảo đã được Ban tổ chức tổng hợp trình lên Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để Chính phủ và cơ quan soạn thảo có thêm kênh thông tin tham khảo nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định 44 và Thông tư 36 nhằm gấp rút tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác định giá đất theo tinh thần Công điện số 634/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/7/2023.