Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần lộ trình hợp lý
Cần thực hiện những khảo sát, đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động tăng thuế để đưa ra các quyết định chính sách hợp lý, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Đường cong Laffer"và những tác động mở rộng cần tính đến
Chia sẻ tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp”, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, dù việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách, nhưng mức tăng quá nhanh và cao đột ngột có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Nguyên nhân bởi việc tăng thuế có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư, cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm lao động.
Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025). Bản Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi hiện tại đề xuất tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với mặt hàng rượu, bia theo từng năm, trong đó dao động tăng thêm từ 15% - 35% so với mức thuế suất thuế TTĐB của từng mặt hàng trong nhóm này theo luật hiện hành.
“Bên cạnh thu hẹp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, thu nhập của người nông dân trồng nguyên liệu khác để sản xuất bia, rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sự suy giảm trong các ngành liên quan. Thời gian qua, ngành bia rượu cũng đã chứng kiến những sụt giảm trong tiêu thụ từ việc thực thi quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, ông Tuấn cũng chỉ ra thêm về các ảnh hưởng của chính sách thuế đến tổng thể nền kinh tế.
Thực tế, đã xảy ra không ít trường hợp tương tự. Theo ông Tuấn, nguyên lý Đường cong Laffer và lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách từ thuế của chính phủ chỉ ra khi tăng thuế quá cao vượt điểm giới hạn thì sẽ làm giảm tổng thu ngân sách của chính phủ. Một số quốc gia phát triển và đang phát triển đã ghi nhận tác động tiêu cực khi thuế suất đối với đồ uống có cồn vượt điểm tới hạn như Anh, Úc, Bỉ, Thái Lan, Malaysia dẫn tới ngay lập tức ngân sách của chính phủ bị hụt thu nghiệm trọng.
Gần nhất, năm 2023, khi chính phủ Anh Quốc tăng thuế đối với rượu, thì đã ghi nhận doanh số bán rượu mạnh giảm 20%, tương ứng doanh thu thuế từ bán rượu mạnh giảm tới 108 triệu bảng Anh trong vòng 6 tháng. Theo đó, chính phủ Anh Quốc đã phải dừng việc tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó với việc giảm số thu thuế từ đồ uống có cồn. Năm 2015, Malaysia đặt mục tiêu tăng thu thuế khi liên tiếp đưa ra chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn. Tuy nhiên, việc tăng thuế suất lại không giúp quốc gia này đạt được mục tiêu thu thuế, mà lại tạo ra hiệu ứng tiêu cực trên thị trường làm mất nguồn thu thuế, đồng thời khiến nhiều nhà máy đóng cửa và nhiều người bị mất việc làm.
Ngoài cần xém xét tổng thể tác động đến nền kinh tế, ở bối cảnh hiện tại, ông Tuấn cho biết các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia và thuốc lá đã phản ánh rằng việc tăng thuế suất TTĐB liên tục trong những năm gần đây đã gây ra áp lực lớn, vượt quá khả năng thích nghi của họ. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn bất ổn do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành kinh doanh đồ uống có cồn đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng tiêu thụ giảm, chi phí vận hành tăng cao, và chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã khiến cho quá trình phục hồi của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc tăng thuế suất TTĐB thêm nữa trong giai đoạn này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khiến doanh nghiệp không kịp thích nghi, dẫn tới nguy cơ phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Từ thực tế quan sát, ông Tuấn cũng cho rằng người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng các loại rượu bia nhập lậu, làm giả, sản xuất trái phép khi giá rượu bia chính ngạch tăng do tăng thuế TTĐB, dẫn đến càng thất thu cho NSNN, trong khi sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hơn do sử dụng sản phẩm giả hoặc kém chất lượng. Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia không chính ngạch tại Việt Nam những năm qua là khoảng trên dưới 60% trên tổng lượng tiêu thụ. Nói cách khác, khoảng gần 2/3 lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam có thể từ nguồn nhập lậu hoặc sản xuất cá thể.
Cần lộ trình hợp lý để doanh nghiệp đủ thời gian thích nghi
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, thuế bia rượu ở Việt Nam mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40% - 85% giá bán lẻ. Đây cũng là một trong các nguyên nhân Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế TTĐB thêm ít nhất 10% để giảm lượng tiêu dùng, từ đó kiểm soát các tác hại của bia, rượu.
“Về cơ bản, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định tăng thuế TTĐB của Ban soạn thảo đối với các mặt hàng có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi xét đến những phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành”, đại diện từ Deloitte nhấn mạnh.
Đồng thời, việc áp dụng thuế tương đối (tính theo tỷ lệ phần trăm), thay vì phương pháp thuế tuyệt đối, tính thuế hỗn hợp như ghi nhận xu hướng phát triển của thế giới tại bản dự thảo đầu, cũng được chuyên gia từ hãng kiểm toán này tán đồng.
Nguyên nhân bởi đặc thù thị trường bia trong nước có tới 80% thị phần là bia phổ thông và bia địa phương, có giá chênh lệch rất lớn so với dòng bia cao cấp. Việc áp dụng thuế hỗn hợp và thuế tuyệt đối ở thời điểm hiện tại sẽ dẫn đến việc không công bằng trong việc đánh thuế khi các doanh nghiệp bia phổ thông phải đóng thuế nhiều hơn, lượng doanh thu giảm gián tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cụ thể là công ăn việc làm tại những doanh nghiệp ở phân khúc 80% thị phần này.
Bên cạnh đó, ông Tuấn đề xuất ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới. Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo nên cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức. Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp.