Phó Tổng thống Mỹ thăm Philippines: Hồi sinh liên minh hay đẩy Manila vào thế khó?
Có chuyên gia nhận định việc Phó Tổng thống Mỹ thăm Philippines làm hồi sinh quan hệ an ninh song phương, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chuyến thăm đẩy Philippines vào thế khó giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 20-11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến thăm và làm việc tại Philippines. Đây là chuyến thăm của quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm quốc đảo này.
Tập trung vào hợp tác quốc phòng
Ngày 21-11, bà Harris đã gặp Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. để thảo luận về 21 dự án mới do Mỹ tài trợ, bao gồm nhiều địa điểm phòng thủ hơn xung quanh Philippines mà hiện tại chưa được tiết lộ, theo đài CNN.
Về các dự án này, Nhà Trắng cho biết đây là một phần của Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa hai nước, cho phép quân đội Mỹ sử dụng các địa điểm đã thỏa thuận ở Philippines để diễn tập an ninh và huấn luyện quân sự chung.
Theo chuyên san The Diplomat, dự đoán là sau chuyến thăm sẽ có một thông báo chính thức về kế hoạch Mỹ chi 66,5 triệu USD cho việc xây dựng các cơ sở đào tạo và nhà kho mới tại 3 căn cứ quân sự của Philippines theo thỏa thuận EDCA. Theo đó việc đầu tư sẽ tập trung vào Căn cứ Không quân Basa ở tỉnh Pampanga, Fort Magsaysay ở tỉnh Nueva Ecija và Căn cứ Không quân Lumbia ở TP Cagayan de Oro.
Trong cuộc họp báo hôm 21-11, bà Harris tái khẳng định cam kết “không lay chuyển” của Washington đối với Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký hồi năm 1951. Theo đó, hiệp ước quy định rằng cả hai bên sẽ bảo vệ lẫn nhau nếu một trong hai bị bên thứ ba tấn công.
Dự kiến sau khi gặp Tổng thống Marcos ở Manila, bà Harris sẽ bay đến Palawan - hòn đảo cực tây của Philippines, để gặp lãnh đạo, người dân và đại diện của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, theo The Diplomat. Hòn đảo này là nơi có các khu nghỉ dưỡng và cũng là nơi đồn trú của một căn cứ quân sự của Philippines.
Hồi sinh liên minh quân sự
Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã trở nên căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Marcos Jr. là ông Rodrigo Duterte.
Theo The Diplomat, chuyến thăm là “dấu hiệu mới nhất về sự hồi sinh của quan hệ an ninh song phương” sau thời gian ông Duterte cầm quyền, đồng thời bác bỏ những nhận định trước đó rằng quá khứ gây tranh cãi của gia tộc Marcos sẽ cản trở mối quan hệ mang tính xây dựng với Washington.
Bình luận về chuyến thăm, chuyên gia an ninh hàng hải Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết Mỹ và Philippines đang tiến lên từ “những năm khó khăn” thời ông Duterte tại vị, theo đài CNN.
Điều đáng chú ý trong chuyến công du của bà Harris là Phó Tổng thống Mỹ sẽ thăm đảo Palawan và làm việc với Lực lượng Bảo vệ bờ biển.
Ông Poling cho rằng chuyến thăm của bà Harris gửi một thông điệp ủng hộ mạnh mẽ tới Philippines rằng Mỹ sẽ sát cánh cùng Philippines trên Biển Đông mà không nhất thiết phải đe dọa Bắc Kinh vì bà Harris sẽ đến thăm đảo Palawan, nằm gần Biển Đông nhưng không phải là một trong những quần đảo tranh chấp.
Trả lời hãng tin Reuters, ông Daniel Russel - nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama cho biết: “Thật hợp lý khi dành sự quan tâm cấp cao để khôi phục mối quan hệ hợp tác sâu rộng trên mọi mặt với đồng minh trẻ trung, đông dân, thịnh vượng và có vị trí chiến lược này”.
Philippines ở thế cân bằng hay kẹt giữa Mỹ - Trung?
Trong cuộc họp báo với bà Harris ngày 21-11, Tổng thống Marcos Jr. khẳng định: “Tôi đã nói nhiều lần, tôi không nhìn thấy một tương lai nào cho Philippines mà không có Mỹ và điều này xuất phát từ mối quan hệ rất lâu dài với Mỹ”.
Kể từ khi nhậm chức vào hồi tháng 6, ông Marcos đã tìm cách thiết lập lại quan hệ với Mỹ và khởi động lại các liên lạc hữu nghị với Trung Quốc, cả về các vấn đề kinh tế và an ninh.
Ông Rommel Banlaoi - chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Trung Quốc của Philippines cho rằng nhiệm vụ lớn của ông Marcos Jr. là củng cố và hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của đất nước với sự giúp đỡ của Mỹ, đồng thời thiết lập đối thoại thân thiện với Trung Quốc để tăng cường quan hệ kinh tế với đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, theo đài CNN.
Ông Banlaoi nói: “Tổng thống Philippines Marcos tỏ ra cởi mở với ý tưởng theo đuổi hợp tác một cách linh hoạt ở Biển Đông, đồng thời không từ bỏ lập trường lâu nay của mình khi nói đến các vấn đề lãnh thổ ở khu vực này”.
Tuy nhiên, bà Anna Malindog-Uy, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thế kỷ châu Á của Philippines (ACPSSI) lại nhận định rằng chuyến thăm của bà Harris sẽ đặt Philippines "vào một tình thế bấp bênh và khó xử" trước Trung Quốc. "Tôi không thấy điều này có lợi cho đất nước mình. Điều đó chẳng khác nào thúc đẩy Bắc Kinh hành động phương hại đến Philippines” - CNN dẫn lời bà Malindog-Uy nói.