Phố Tuyên Quang giữa lòng Hà Nội

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Văn Uẩn trong cuốn sách 'Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20', và cuốn 'Từ điển Đường - Phố Hà Nội' của Nam Hồng - Lăng Thị Nga, phố Tuyên Quang là một phố nhỏ chạy dọc theo chân tường thành Hà Nội cũ ở phía góc Đông - Nam, nối cửa Đông Nam với cửa Tây Nam của thành cổ, do đó đường phố này không đi thẳng như các phố khác, mà lại gãy khúc theo đường vạch của con hào xưa, dài khoảng gần 500 mét.

Trước năm 1945 phố này mang tên là phố Tuyên Quang, sau 1945 đến nay đổi là phố Cao Bá Quát. Hiện nay phố này bắt đầu từ phố Lê Duẩn cắt qua khu Hoàng Diệu đến ngã tư phố Nguyễn Thái Học - Văn Miếu thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh.

Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Minh.

Cụ Nguyễn Văn Uẩn kể rằng, sau khi tường thành Hà Nội bị phá, hào bị lấp, thì nơi này trong suốt hàng chục năm còn là những đầm, hồ và bãi đất trống đầy cỏ, rác. Khu vực giữa phố Hàng Đẫy và phố Cao Bá Quát thuở ấy có một cái hồ rất lớn là hồ Kim Ngâu. Lên đến sát bệnh viện Xanh Pôn còn là bãi rộng trồng ngô. Sau có mấy nhà thầu khoán là Hợp ký Đặng Đình Thuận, Nguyễn Hữu Thục (Cai Ba Thục), Trần Quang Vinh, Hàn Tĩnh, Nguyễn Đức Mai chung nhau mua chỗ đất hồ ao này, thuê lấp và làm nhà. Những nhà này phần lớn do kiến trúc sư Việt Nam vẽ, họ là những người đã tốt nghiệp trường Mỹ thuật. Những ngôi nhà này đẹp hơn những ngôi nhà làm ở thời kỳ 1910 - 1930 do những ông ký họa ở sở Lục lộ vẽ. Đây là phố Tây kiểu Vi La lớn có diện tích từ 1.000 đến 1.200 mét vuông, thông suốt hai phố là Hàng Đẫy và phố Tuyên Quang. Làm nhà xong chủ nhà chỉ ở một nửa, còn một nửa cho Tây thuê lại.

Ngày đó ở phố Tuyên Quang có những chủ nhà đất lớn như ông Hoàng Gia Luận ở nhà số 7, Đỗ Lợi ở nhà số 9, Chế Quang Lang ở nhà số 13, Nguyễn Đình Phẩm số 15, Nguyễn Văn Xuân nuôi bò sữa số 19, Hợp ký Đặng Đình Thuận số 29 - 29, Cai Ba Thục số nhà 36.

Cụ Nguyễn Văn Uẩn cho biết rằng, trước năm 1910, phố Tuyên Quang đã có mấy nhà xây kiểu cũ, đó là nhà từ số 16 đến số 24, trụ sở của công ty vệ sinh Allemand và Sở công trình công cộng thành phố. Chỗ đầu phố phía Tây con đường đi cong sang phố Hàng Đẫy là một khu đất rộng, lúc đầu là nhà kho của hãng Đơniphre mà người ta gọi là nhà máy tóc, vì đó là nơi sơ chế tóc rối, lông vịt trước khi đem đi xuất khẩu. Khu đất này năm 1930 bán lại cho Nhà Chung để xây ngôi nhà Jeanne dAre, một ký túc xá dành cho con Tây.

Nguồn cơn nào khiến người Pháp đặt cho con phố nhỏ này là phố Tuyên Quang mà không đặt là phố có tên chữ Hàng như các phố cổ khác?

Qua chuyện cụ Nguyễn Văn Uẩn kể, lật lại vài cuốn sử xưa như Đại Nam Thực lục tập 8 - 9, cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, cuốn Việt Sử Tân Biên của sử gia Phạm Văn Sơn, rồi tra từ điển Wkipedia tôi biết được rằng, việc người Pháp đặt tên Tuyên Quang cho con phố này, cũng như tên Sơn Tây cho một con phố khác ở khu Ba Đình, là để ghi nhớ trận đánh của Quân Pháp vào thành Tuyên Quang và Sơn Tây mà thôi!

Năm 1884 Tuyên Quang, khi ấy còn có tên Tam Kỳ, là một tỉnh lớn và quan trọng ở phía Bắc Việt Nam. Thành Tuyên Quang do nhà Nguyễn xây dựng thời Minh Mệnh sang Thiệu Trị lúc này do quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đóng làm căn cứ.

Cuối tháng 5 năm 1884, Thống tướng Charles Millot cho tàu đi thăm dò sông Lô, để biết tàu thủy lên được đến đâu? Sau đó, ông sai Trung tá Duchesne đang đóng ở Việt Trì dẫn 5 pháo hạm lên đánh Tuyên Quang. Đến nơi, quân Pháp chỉ đánh độ một giờ đồng hồ thì quân Cờ Đen bỏ thành Tuyên tháo chạy, rồi sau đó tranh nhau đi cướp phá các làng mạc của dân Việt.

Tuy chiếm được thành Tuyên, nhưng chẳng bao lâu sau, khi Pháp vừa rút bớt quân, thì quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc (khi ấy đã về ở Bảo Thắng, Lào Cai) và Quân Thanh ở mạn sông Hồng và sông Lô do tướng Sầm Dục Anh chỉ huy, quay trở lại công hãm, nhốt mấy trăm quân Pháp ở trong thành Tuyên suốt nhiều tháng dài. Bấy giờ quân Pháp ở trong thành có cả thảy độ hơn 600 người, thuộc quyền chỉ huy của Thiếu tá Dominé... Lưu Vĩnh Phúc đem quân Cờ Đen lên đánh vào thành Tuyên Quang, quân Pháp ở trong thành cũng cố hết sức để chống giữ. Lúc ấy quân Pháp đã lấy được thành Lạng Sơn rồi, Trung tướng Brìere de l'Isle liền để Thiếu tướng De Négrier ở lại giữ thành, đến ngày mồng 2 tết (1885) đem quân đi đường đồn Chữ về Hà Nội, rồi lập tức lên cứu Tuyên Quang. Ngày 13 tháng Giêng năm Ất Dậu (1885) thì lên đến Đoan Hùng rồi sang sông Chảy. Quân Tàu và quân Pháp giao chiến từ đó cho đến ngày 16, quân Pháp mới giải được vây.

Theo Việt sử tân biên thì: Thành Tuyên bị vây từ 16 tháng 10 năm 1884, được giải tỏa một lần vào ngày 20 tháng 11 do công của Đại tá Duchesne. Sau đó, thành Tuyên được bàn giao cho Đại tá Dominé cùng khoảng 600 quân trấn giữ. Nhưng ngày 13 tháng 2 năm 1885, thì thành Tuyên lại bị 15.000 quân Cờ Đen và quân Thanh vây hãm. Trước tình thế hết sức nguy ngập, buộc tướng Brìere de L’Isle (người vừa thay tướng Millot, coi quản Bắc Kỳ) phải tức tốc biệt phái đạo quân của tướng Giovanninelli từ Lạng Sơn cùng 9 pháo thuyền qua giải cứu. Phía Pháp nhờ có quân chi viện nên trong đánh ra ngoài đánh vào, khiến đội quân vây hãm, từ thế thắng đổi ra thế bại vào ngày 3 tháng 3 năm 1885. Tuy quân Pháp của Dominé được giải vây, nhưng số thiệt mạng và bị thương trong 6 tuần kịch chiến đã lên đến con số 300 người. Còn binh đoàn của Giovanninelli, chỉ tính trong trận Hòa Mộc hay Hòa Mục (thuộc huyện Yên Sơn) quân Pháp đã bị chết gần 100 quân, bị thương 787 quân, trong đó có 21 sĩ quan. Nói đến sự kiện bi thảm này, sách Việt sử tân biên chép: Sau trận chiến này Pháp đã thiệt 1/3 quân số. Nhiều sĩ quan và binh lính Pháp đã ngã gục vì ống phun lửa, vì mìn và vì trái phá của quân Thanh. Về phần quân Tàu, xác chết chất có cả đống...

Qua tài liệu lịch sử cho thấy, người Pháp lấy tên Tuyên Quang đặt cho phố nhỏ là Tuyên Quang vào sau năm 1885, nhằm để ghi nhớ trận Quân Pháp công thành Tuyên Quang. Nhưng sau cách mạng tháng 8/1945 Hà Nội đã đổi tên con phố này thành phố Cao Bá Quát, người được tôn là “Thánh Quát” (1808 - 1855) nhà thơ lớn của Hà Nội.

Tuy đã được đổi từ phố Tuyên Quang sang thành phố Cao Bá Quát, nhưng lịch sử Hà Nội và các cuốn sách nghiên cứu lịch sử, các cuốn địa chí của Hà Nội vẫn ghi đậm dấu ấn đây là phố Tuyên Quang giữa lòng Hà Nội. Ngày nay trên con phố nhỏ này ngoài những ngôi vila cũ, còn có Viện Khoa học Thanh Tra, của Thanh tra chính phủ; Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc; Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ngay đầu phố đối diện với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Viện Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam trầm mặc và uy nghi.

Phí Văn Chiến

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dat-amp-nguoi-tuyen-quang/pho-tuyen-quang-giua-long-ha-noi-132917.html