Phó Vụ trưởng Tiểu học:Trường cần giáo viên, không cần nghệ sĩ biểu diễn

PGS.TS Trịnh Hoài Thu nêu thực trạng, nhiều chương trình đào tạo giáo viên nghệ thuật còn nặng tính hàn lâm, trong khi các trường phổ thông cần giáo viên, chứ không phải nghệ sĩ biểu diễn.

Ngày 21/8, phát biểu tại Hội thảo Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phổ thông tại Việt Nam, PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho hay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới, Một trong những điểm mới rất quan trọng là đưa giáo dục nghệ thuật dạy đầy đủ ở các cấp học.

 PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) .

PGS.TS Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) .

Tuy nhiên, một trong những điểm vướng, là số lượng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở bậc THPT gần như đang “trắng”, trừ các trường THPT ngoài công lập hay có yếu tố nước ngoài.

Theo thống kê, năm 2023-2024, số lượng trường THPT trong cả nước là gần 2.400 trường. Nếu mỗi trường cần 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật, thì hiện đang thiếu gần 4.800 giáo viên. Chưa kể cấp Tiểu học và THCS vẫn còn một số trường thiếu.

Thực tế, giáo viên nghệ thuật được đào tạo ở bậc đại học khá nhiều. Năm 2024, thống kê số sinh viên ra trường từ các cơ sở đã đào tạo là hơn 6000 em. Tuy nhiên, vấn đề là các em có nguyện vọng, tha thiết đi làm nghề hay không. Và nếu các em tha thiết, thì có được tuyển dụng hay không, ngay cả khi có chỉ tiêu biên chế. Thời gian qua, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm tới môn Âm nhạc và Mỹ thuật, mà mới chỉ quan tâm tới các môn chính như Văn, Toán… Về việc này, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương.

Bên cạnh đó, trình độ giáo viên chưa đồng đều, do chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục vênh nhau khá nhiều. Cần có chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho các giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu của nhà trường phổ thông.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều chương trình đào tạo còn nặng về tính hàn lâm, theo kiểu chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo đang dạy những gì mình có mà chưa thật sát với nhu cầu của nhà trường phổ thông. Thực tế, các giáo viên ra trường, dạy học phải đáp ứng được chương trình phổ thông, chứ không phải là một nghệ sĩ biểu diễn các nhạc cụ.

“Chúng tôi cần một giáo viên không phải là nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Người thầy phải có khả năng truyền đạt kiến thức, để các em hiểu được, làm được. Nên các cơ sở đào tạo đừng dạy cái mình có mà hãy dạy cái xã hội cần, chương trình giáo dục phổ thông cần”, bà Hoài Thu nói.

Bà Hoài Thu cũng mong các nhà trường hãy rà soát bổ sung chương trình để phù hợp với chương trình phổ thông 2018. Chẳng hạn, phương pháp sư phạm dạy ở bậc THPT đã có chưa? Cùng với đó, hướng dẫn sinh viên nhiều hơn tổ chức các hoạt động dạy học và các hình thức tổ chức lớp học. Đây là điều rất cần. Nhà trường không cần một nghệ sĩ giỏi, họa sĩ giỏi mà cần người biết tổ chức lớp, hướng dẫn cho học sinh học.

“Cùng với đó, mong các nhà trường phối hợp với Bộ GD&ĐT, các Vụ có các chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại cho giáo viên, khắc phục tình trạng trình độ giáo viên chưa đồng đều”, bà Thu nói.

Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nói về việc hơn 9 điểm 1 môn vẫn trượt nguyện vọng 1 là "bình thường". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/pho-vu-truong-tieu-hoctruong-can-giao-vien-khong-can-nghe-si-bieu-dien-2023909.html