Phố Wall chịu áp lực khi chi phí vay vốn của doanh nghiệp Mỹ tăng vọt

Trong phần lớn thời gian năm nay, triển vọng về giá trị hàng nghìn tỉ đô la mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể mang lại cho nền kinh tế đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ thăng hoa. Tuy nhiên, điều này che lấp một mối đe dọa lớn trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed): chi phí vay đã tăng vọt đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm điểm trong bối cảnh Fed quyết tâm duy trì chi phí vay cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Ảnh:Getty

Chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm điểm trong bối cảnh Fed quyết tâm duy trì chi phí vay cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Ảnh:Getty

Giờ đây, Phố Wall đang lo lắng về mối nguy hiểm của chính sách tiền tệ sau khi trong tuần qua Chủ tịch Fed, Jerome Powell, một lần nữa báo hiệu quyết tâm duy trì lãi suất cao trong thời gian dài. Lập trường đó đã dẫn đến làn sóng bán tháo cổ phiếu của Big Tech (các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ) và nhiều doanh nghiệp khác.

Giải pháp được ông Powell lựa chọn để hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ là đảm bảo lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát, được coi là chi phí thực của tiền vay, luôn ở mức cao. Người đứng đầu Fed cho biết tại cuộc họp chính sách trong tuần qua rằng lợi suất thực (lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trừ đi lạm phát) cần duy trì ở mức tích cực một cách có ý nghĩa “trong một thời gian”.

Đó là một thông điệp lạnh lùng đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Mức tăng trưởng hai con số trong năm nay của chỉ số S&P 500 được thúc đẩy bởi sự lạc quan rằng các công nghệ non trẻ như AI sẽ mở ra làn sóng tăng trưởng mới cho các công ty công nghệ. Tuy nhiên, chủ nghĩa hoài nghi đang xuất hiện khi chi phí vốn tăng cao, đe dọa gây áp lực lên mọi doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,9% trong tuần này, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3. Dữ liệu từ nghiên cứu của BoFA Global cũng cho thấy các nhà đầu tư trên toàn cầu bán cổ phiếu với tốc độ mạnh nhất trong năm nay, với 16,9 tỉ đô la giá trị cổ phiếu bán ròng tuần tính đến ngày 20-9.

“Chi phí vốn cao hơn sẽ gây bất lợi cho việc định giá vốn cổ phần. Big Tech là những công ty khác biệt, có đòn bẩy thấp, dòng tiền dồi dào và lợi thế cạnh tranh lớn. Những đặc điểm này biện minh cho mức định giá của họ cao hơn mức trung bình của thị trường. Nhưng đến một thời điểm nào đó, việc định giá tuyệt đối và tương đối không thể kéo dài hơn nữa. Thời điểm đó đang đến gần với một số tên tuổi công nghệ”, Que Nguyen, Giám đốc đầu tư chiến lược vốn cổ phần tại Research Affiliates, bình luận.

Triển vọng về lãi suất cao hơn trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến các tài sản trên diện rộng. Cổ phiếu của các công ty xây dựng ở Mỹ đã giảm giá 7 trong 8 tuần qua. Trong khi đó, cổ phiếu của một loạt các công ty công nghệ chưa có lợi nhuận cũng bị bán tháo, gợi nhớ lại tình trạng hỗn loạn thị trường hồi tháng 3. Diễn biến này không có gì ngạc nhiên khi mà hôm 21-9, lãi suất thực của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng tới 2,12%, mức cao nhất kể từ năm 2009.

“Với vai trò của Fed là người bảo vệ nền kinh tế Mỹ, ông Powell có nguy cơ lạm dụng sự lạc quan quá mức, khiến các tài sản rủi ro dễ bị ảnh hưởng do lợi suất thực cao hơn”, Ian Lyngen, giám đốc chiến lược lãi suất Mỹ của BMO Capital Markets viết trong một báo cáo. Hiện tại, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ thiết kế thành công cú hạ cánh mềm cho nền kinh tế, tức lạm phát giảm và tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái.

Lãi suất thực cao bền vững sẽ dẫn đến tình trạng thắt chặt các điều kiện tài chính, một mục tiêu mà ông Powell nhiều lần nhấn mạnh. Chi phí vay đắt đỏ hơn làm tăng chi phí kinh doanh và gây áp lực lên những cổ phiếu của các doanh nghiệp bao gồm công nghệ vì triển vọng thu nhập dài hạn của họ giờ đây phải được chiết khấu ở mức cao hơn. Đồng thời, các tài sản thiếu dòng thu nhập chẳng hạn như tiền ảo sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn do chi phí cơ hội để nắm giữ chúng so với nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ có lợi nhuận thực tế.

Trong tháng 9, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số Nasdaq 100 thiên về công nghệ của thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 5% và đang đến hướng đến tháng suy giảm tồi tệ nhất trong năm 2023 khi cổ phiếu của những công ty như Tesla và Microsoft giảm giá. Chỉ số này đang giao dịch ở mức gấp hơn 31 lần thu nhập hàng năm, thấp hơn so với thời kỳ đỉnh cao của năm 2021, nhưng cao hơn hầu hết mọi thời điểm trong thập niên qua.

Ngân hàng UBS kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa trong những tháng cuối năm nay. Nhưng dự báo lạc quan đó trở nên không chắc chắn khi ông Powell nhấn mạnh rằng lợi suất thực cao hơn là điều cần thiết trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chống lạm phát.

“Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC- cơ quan ấn định lãi suất của Fed) rõ ràng nhận thấy lãi suất thực cao hơn là cần thiết để khôi phục sự ổn định giá cả. FOMC đã báo hiệu ý định về lãi suất thực cao hơn trong thời gian dài hơn chúng tôi giả định trước đây. Điều này cho thấy rủi ro đối với dự báo lãi suất của chúng tôi rõ ràng đang tăng lên”, các nhà kinh tế của UBS viết trong một báo cáo.

Theo Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng Apollo Global Management, đà tăng giá của các tài sản rủi ro trong năm nay là không bền vững. Ông nói, chi phí vay vốn khả năng tiếp tục tăng cao và các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho các kịch bản ứng phó phù hợp.

“Chúng ta sẽ thấy chi phí vốn ngày càng đè nặng lên các công ty mỗi ngày. Rõ ràng, chúng ta bắt đầu có nguy cơ chứng kiến nhiều công ty vỡ nợ hơn và nhiều người tiêu dùng trễ hạn thanh toán nợ hơn”, Slok nói.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/pho-wall-chiu-ap-luc-khi-chi-phi-vay-von-cua-doanh-nghiep-my-tang-vot/