Phố Wall 'dậy sóng': Hơn 2.000 tỷ USD vốn hóa bốc hơi vì 'bóng ma' thuế quan
Các công ty Mỹ đã mất hàng nghìn tỷ USD vốn hóa vào ngày 3/4 sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế quan toàn diện đối với hàng nhập khẩu nước ngoài.

Gian trưng bày xe Jeep, dòng xe đình đám của Stellantis tại Trung tâm thương mại ở bang Mexico (Estado de Mexico). Ảnh: Phi Hùng - PV TTXVN tại Mexico
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump ngày 2/4 đã phát động một cuộc chiến thương mại của Mỹ với mọi quốc gia thông qua một loạt thuế quan có hiệu lực gần như ngay lập tức. Nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho cuộc chiến đó.
Tổng cộng, một hộ gia đình trung bình ở Mỹ sẽ phải trả thêm 2.100 USD mỗi năm cho hàng hóa do mức thuế này, theo ước tính của Tổ chức Thuế phi đảng phái của Mỹ.
Hãng AP cho biết, hầu như mọi lĩnh vực đều chịu tổn thất lớn khi thị trường tài chính Mỹ đóng cửa ngày 3/4 với mức giảm lớn nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái cách đây 5 năm.
Các ngân hàng, nhà bán lẻ, quần áo, hãng hàng không và các công ty công nghệ nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và người tiêu dùng dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu nếu thuế quan dẫn đến giá hàng hóa và dịch vụ tăng cao hơn.
Nhiều nhà kinh tế đánh giá chiến dịch thuế quan mà Tổng thống Trump vừa tung ra tệ hơn nhiều so với dự kiến và các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của các công ty mà họ dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong nhiều trường hợp, loại thuế đó sẽ được chuyển cho người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì giá cả tăng cao, các doanh nghiệp sẽ sản xuất ít hàng hóa hơn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế có thể đình trệ hoặc suy giảm. Chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế tại Mỹ.
“Đây là một bước ngoặt, không chỉ đối với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu”, Olu Sonola, giám đốc nghiên cứu kinh tế Mỹ của tổ chức xếp hạng tài chính Fitch Ratings, cho biết trong một báo cáo. “Nhiều quốc gia có khả năng sẽ rơi vào suy thoái”.
Theo ông Howard Silverblatt, một nhà phân tích chỉ số cấp cao tại S&P Dow Jones Indices, với mức giảm 4,8% trong S&P 500, hơn 2 nghìn tỷ đô la giá trị vốn hóa đã biến mất.
Dưới đây là những phân tích chi tiết về một số ngành và công ty có hiệu suất kém nhất trên thị trường Mỹ vào ngày 3/4.
Các hãng hàng không
Các hãng hàng không vốn đã dự đoán một năm lợi nhuận mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu người Mỹ phải đối mặt với giá cả tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu, các nhà kinh tế cho biết điều đó có thể ảnh hưởng đến ngân sách đi lại của họ. Trong “cơn hoảng loạn” vừa qua, cổ phiếu của “người khổng lồ hàng không” United Airlines giảm 15,6%; American Airlines giảm 10,2%; Delta Air Lines, giảm 10,7%
Quần áo và giày dép
Hầu hết các nhà sản xuất giày dép và quần áo lớn đều sản xuất sản phẩm của họ bên ngoài nước Mỹ, nghĩa là chính họ sẽ phải trả thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa được vận chuyển trở lại Mỹ để bán tại đây.
Ngày 3/4, cổ phiếu của Nike giảm 14,4%; Under Armour giảm 18,8%; Lululemon giảm 9,6%; Ralph Lauren, giảm 16,3%; Levi Strauss, giảm 13,7%
Các nhà bán lẻ
Các nhà bán lẻ lớn và các nền tảng bán hàng trực tuyến đã nhập khẩu một lượng lớn hàng tồn kho từ bên ngoài Mỹ. Trong cơn sụt giảm của thị trường vừa qua, cổ phiếu của Amazon giảm 9%; Target giảm 10,9%; Best Buy giảm 17,8%; Dollar Tree, giảm 13,3%; Kohl’s, giảm 22,8%
Công nghệ
Các công ty sản xuất và bán máy tính, điện thoại thông minh và công nghệ khác tại Mỹ cũng nhập nhiều linh kiện từ nước ngoài. Một số công ty sản xuất toàn bộ sản phẩm của mình ở nước ngoài, nghĩa là họ sẽ phải trả thuế khi những sản phẩm đó được vận chuyển trở lại Mỹ để bán cho người tiêu dùng.
Vì thế các ông lớn công nghệ cũng không thể đứng vững trong cơn bão sụt giảm giá vì đòn thuế quan của Tổng thống Trump. Trong số này cổ phiếu Apple giảm 9,2%; HP giảm 14,7%; Dell giảm 19%; Nvidia giảm 7,8%
Ngân hàng
Nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ ít có khả năng vay tiền hơn vì nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ giảm. Do đó viễn cảnh kinh doanh của khối ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của Wells Fargo giảm 9,1%; Bank of America giảm 11,1%; PMorgan Chase, giảm 7%
Nhà hàng
Người tiêu dùng Mỹ, cảm thấy ít tự tin hơn về tương lai tài chính của họ trong năm nay, đã cắt giảm chi tiêu tại các nhà hàng khi họ thắt chặt ngân sách và chỉ ưu tiên các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Cổ phiếu Starbucks vì thế hôm 3/4 đã giảm 11,2%; Cracker Barrel giảm 12,7%; Cheesecake Factory, giảm 9,4%
Các nhà sản xuất ô tô
Một điều ngạc nhiên là các nhà sản xuất ô tô không bị ảnh hưởng nặng nề như hầu hết các ngành khác vào ngày 3/4. Điều đó có thể là do hầu hết thép và nhôm của Ford, GM và Stellantis — mà Tổng thống Trump đã công bố trước đó về mức thuế quan — đã vào được Mỹ, làm giảm tác động trực tiếp mà các công ty sẽ cảm thấy từ mức thuế cao hơn.
Trong đợt đi xuống của thị trường vừa qua, General Motors giảm 4,3%; Ford giảm 6; Tesla giảm 5,5%; Stellantis, giảm 9,4%