Phố Wall ngày thứ 3 giảm điểm

Chốt phiên giao dịch hôm 7/4, các chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 và Dow Jones đồng loạt giảm điểm, phản ánh tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế và lạm phát.

Nguyên nhân chính đến từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục giữ lập trường cứng rắn với chính sách thuế quan, đồng thời cảnh báo có thể áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Từ khi ông Trump công bố mức thuế phổ cập áp dụng với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh mẽ. Đặc biệt, mức thuế cao hơn dành cho các đối tác thương mại lớn khiến tâm lý nhà đầu tư càng thêm hoang mang.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong phiên giao dịch 7/4, khối lượng cổ phiếu được giao dịch đạt mức kỷ lục ngày thứ hai liên tiếp, phản ánh sự hoảng loạn và bất ổn của thị trường. Cả ba chỉ số chính của Mỹ chạm đáy thấp nhất trong hơn một năm vào đầu phiên, bật tăng trong thời gian ngắn do một báo cáo cho rằng ông Trump đang cân nhắc tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày. Tuy nhiên, sau khi Nhà Trắng bác bỏ thông tin này, thị trường nhanh chóng quay đầu giảm.

Chỉ số biến động CBOE (VIX) – được ví như "thước đo nỗi sợ" trên Phố Wall – vượt ngưỡng 60 điểm trong phiên, mức cao nhất kể từ tháng 8/2024, trước khi kết thúc ngày ở mức 46,98 – cao nhất trong 5 năm qua.

Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments, cho rằng thị trường đang phản ứng tiêu cực trước cách tiếp cận đơn phương và quyết liệt của chính quyền Trump đối với mất cân bằng thương mại toàn cầu. "Cộng đồng đầu tư từng phần nào ủng hộ Tổng thống Trump, nhưng hiện không có nhiều tiếng nói ủng hộ cách chính quyền đang xử lý vấn đề thuế quan".

Chỉ số Dow Jones giảm 349,26 điểm (0,91%) xuống còn 37.965,60. S&P 500 mất 11,83 điểm (0,23%) còn 5.062,25. Trong khi đó, Nasdaq Composite lại tăng nhẹ 15,48 điểm (0,10%) lên mức 15.603,26.

Sự mất mát lớn nhất đến với S&P 500, vốn giảm 10,5% chỉ trong hai ngày đầu tuần trước, tương đương khoảng 5.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường – mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Cũng trong tuần qua, chỉ số Nasdaq chính thức bước vào thị trường gấu (thị trường giá xuống - bear market giảm hơn 20% so với đỉnh) còn Dow Jones rơi vào giai đoạn điều chỉnh (correction), giảm hơn 10% so với mức kỷ lục tháng 12/2024.

Tính theo nhóm ngành, bất động sản giảm mạnh nhất với mức 2,4% – dẫn đầu nhóm đi xuống trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500. Ngược lại, dịch vụ truyền thông tăng 1% và công nghệ tăng 0,3%.

Xét về cổ phiếu riêng lẻ, Apple và Tesla là những mã tác động tiêu cực nhất đến S&P 500, lần lượt giảm 3,7% và 2,6%. Trong khi đó, Nvidia và Amazon là điểm sáng, với mức tăng lần lượt trên 3% và 2,5%.

Các nhà đầu tư hiện đang dồn sự chú ý vào loạt dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và các phát biểu từ quan chức Cục Dự trữ Liên bang (FED), nhằm tìm kiếm manh mối về khả năng suy thoái sắp tới.

Tỷ lệ cổ phiếu giảm giá vượt trội so với cổ phiếu tăng giá: tại sàn NYSE, tỷ lệ này là 4,45:1; trên Nasdaq là 2,12:1. Chỉ số S&P 500 không ghi nhận mức cao mới nào trong 52 tuần qua, nhưng có tới 168 mức thấp mới. Nasdaq có 10 mức cao mới và 999 mức thấp mới – cho thấy tâm lý thị trường đang cực kỳ bi quan.

Khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt tới 29,13 tỷ cổ phiếu – cao hơn nhiều so với mức trung bình 17,13 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất. Đây cũng là phiên thứ hai liên tiếp ghi nhận kỷ lục giao dịch, sau mức 26,79 tỷ cổ phiếu hôm 5/4 – vượt xa đỉnh cũ được thiết lập từ tháng 1/2021.

Phương Anh (Nguồn: Reuters )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/pho-wall-ngay-thu-3-giam-diem-ar936277.html