Phố Wall thận trọng chờ đón các dữ liệu kinh tế mới
Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giao dịch thứ Tư gần như không có thay đổi khi các nhà đầu tư chờ đón loạt dữ liệu mới về thị trường lao động Mỹ...
Kết thúc phiên 2/10, chỉ số Dow Jones tăng 39,55 điểm (+0,09%) lên 42.196,52 điểm, S&P 500 nhích 0,79 điểm (+0,01%) thành 5.709,54 điểm và Nasdaq Composite thêm 14,76 điểm (+0,08%) đạt 17.925,12 điểm.
Động lực của chỉ số công nghệ S&P 500 là Nvidia, ghi nhận mức tăng 1,6%. Ngược lại, cổ phiếu Tesla lại mất 3,5% sau khi nhà sản xuất xe điện công bố số lượng xe giao trong quý ba thấp hơn dự kiến.
Nike cũng giảm gần 7% khi công ty rút lại dự báo doanh thu hàng năm dù có một giám đốc điều hành mới đang chuẩn bị tiếp quản.
Cổ phiếu của Humana Inc lao dốc 11,8% vì dự báo cho thấy số lượng đăng ký các gói bảo hiểm Medicare Advantage cho những người từ 65 tuổi trở lên sẽ giảm vào năm 2025.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,81 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,05 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi diễn biến tại Trung Đông sau khi Israel và Mỹ tuyên bố sẽ phản công lại cuộc tấn công của Iran vào Israel hôm 1/10.
Ngoài ra, dữ liệu công bố vào sáng 2/10 cho thấy bảng lương khu vực tư nhân của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 9, là bằng chứng cho thấy thị trường lao động không suy yếu. Dữ liệu trợ cấp thất nghiệp sẽ được công bố vào thứ Năm và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 9 sẽ công bố vào thứ Sáu.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc tháng 9 với đà tăng mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ bằng một đợt cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm nhằm hỗ trợ thị trường việc làm. Chỉ số S&P 500 đã tăng 19,7% kể từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ đặt cược cho một đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 11 là 65,7%, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Ở một diễn biến khác, cuộc đình công của 45.000 công nhân cảng, làm gián đoạn hoạt động giao hàng tại cảng Bờ Đông và Vịnh Mexico của Mỹ, đã bước sang ngày thứ hai mà không có cuộc đàm phán nào được lên lịch giữa hai bên, các nguồn tin cho Reuters biết.
Cuộc đình công này có thể khiến nền kinh tế Mỹ tổn thất tới khoảng 5 tỷ USD mỗi ngày, theo ước tính của các nhà phân tích JPMorgan.
GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ TĂNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ vào thứ Tư do lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung dầu; tuy nhiên, lượng tồn kho dầu thô lớn ở Mỹ đã phần nào hạn chế đà tăng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 34 cent, tương đương 0,46%, đóng cửa ở mức 73,90 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 27 cent, tương đương 0,39%, lên 70,10 USD/thùng.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu tại Iran, nơi đóng góp 4% cho sản lượng toàn cầu, có thể bị gián đoạn trong thời gian tới khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang.
Lưu ý trong một ghi chú, Capital Economics viết: “Điều mà thị trường muốn biết lúc này là liệu Ả Rập Xê Út có tăng sản lượng nếu nguồn cung của Iran bị gián đoạn hay không?”
Trong cuộc họp mới đây, các bộ trưởng hàng đầu của OPEC+ đã giữ nguyên chính sách về sản lượng dầu. Tổ chức dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày từ tháng 12.
Tờ Wall Street Journal có đưa tin vào thứ Tư rằng bộ trưởng dầu mỏ của Ả Rập Xê Út đã cảnh báo khả năng giá dầu có thể giảm xuống 50 USD/thùng nếu các thành viên OPEC+ không tuân thủ việc cắt giảm sản lượng đã thỏa thuận.
OPEC đã bác bỏ tuyên bố này, cho rằng bài báo hoàn toàn không chính xác và dễ gây ra hiểu lầm.