Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người

Ngày 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

 Người dân đến tiêm phòng dại tại CDC tỉnh trong tháng 3/2024

Người dân đến tiêm phòng dại tại CDC tỉnh trong tháng 3/2024

Đồng chủ trì gồm có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. Phía đầu cầu Thừa Thiên Huế, có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành liên quan.

Hai dịch bệnh đáng quan tâm

Đại diện Bộ y tế thông tin, hơn hai thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới, trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người (LTĐVSN). Trong các bệnh lây truyền LTĐVSN, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013.

Đối với bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp; 3 tháng đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (170%). Tại miền Trung, ghi nhận ca bệnh dại đột biến cao nhất cả nước: 9 ca, khu vực miền Nam và Tây Nguyên tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là không đi tiêm phòng, khảo sát có 43,8% người chủ quan, 16,4% người dùng thuốc nam điều trị. Mỗi năm, cả nước tiêu tốn hơn 800 tỷ đồng cho tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại trên người. 60/63 tỉnh thành có dại trong 10 năm gần đây.

Thống kê từ Phòng Tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế, từ tháng 2 đến nay đã có khoảng 400 ca đến tiêm vắc xin dại, con số này tăng vọt so với thường lệ. Hiện, đơn vị vẫn đảm bảo vắc xin và huyết thanh kháng dại cho các cơ sở tiêm tại CDC cũng như các điểm tiêm chủng ở 9 huyện, thị xã, thành phố.

Về cúm A H5/N1, tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong mới đây tại Khánh Hòa. Tình hình ổ dịch cúm gia cầm (CGC), năm 2023: cả nước có 21 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy 40.606 con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 6 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 6 tỉnh (Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang), buộc tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023; So sánh cùng kỳ năm 2023 tăng 1 tỉnh, thành phố có dịch; số gia cầm mắc bệnh tăng 24,9%, số gia cầm chết và tiêu hủy tăng 25,6%. Tại Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm đạt tiến độ theo kế hoạch; triển khai biện pháp phòng chống dịch đến từng hộ dân.

Thời gian tới, khả năng dịch CGC lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng rất cao do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút CGC xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới.

 Lực lượng chức năng tháo bẫy chim trời ở Quảng Điền, ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ chim di cư

Lực lượng chức năng tháo bẫy chim trời ở Quảng Điền, ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ chim di cư

Tăng cường phối hợp, truyền thông chủ động đi trước

Theo nhận định, dịch bệnh diễn biến khó lường, trong khi thực tế chúng ta đối mặt một số khó khăn, như nguy cơ thiếu vắc xin, huyết thanh kháng dại (do công ty nước ngoài giảm cung cấp vì lợi nhuận thấp); Kinh phí phòng chống dịch bệnh hạn chế; Tỷ lệ tiêm phòng đàn chó mèo thấp…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cuộc họp hôm nay là nỗ lực của hai Bộ. Một số vấn đề đặt ra là chúng ta có đường biên giới dài, việc nuôi gia cầm nhỏ lẻ tiềm ẩn bất lợi trong phòng chống dịch bệnh, biến đổi khí hậu phức tạp. Hiện, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo mới đạt 30%, nguyên nhân vì sao? Cần làm rõ sự phối hợp các địa phương trong phòng chống bệnh dại. "Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ đúng quy định để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này"- Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm. Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, công tác dự phòng hiệu quả nhất vẫn là vắc xin, riêng cúm A H5/N1 chưa có vắc xin. Bài học truyền thông đóng vai trò quan trọng. Truyền thông triển khai sớm, đi trước một bước, giúp công tác chỉ đạo điều hành tốt hơn. Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực phòng chống dịch, nâng cao nhận thức người dân, đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí tiêm vắc xin phòng dại cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Với nguồn bệnh lây truyền TĐVSN, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây truyền LTĐVSN, chỉ đạo huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, chúng ta đã nhận diện các vấn đề, khó khăn trong tổ chức thực hiện, cần giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Bộ Y tế rất chú trọng công tác truyền thông, thực hiện liên tục, có thông điệp, đề nghị các ban ngành triển khai truyền thông đến tận người dân. Đề nghị tăng cường điểm tiêm ở vùng sâu, vùng xa hỗ trợ cho người dân. Kiểm soát tốt các bệnh lây TĐVSN là góp góp phần đảm bảo an ninh y tế, an sinh xã hội.

LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/y-te-suc-khoe/tin-tuc-y-te/phoi-hop-chat-che-thuong-xuyen-trong-phong-chong-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi-139279.html