Phối hợp chặt chẽ trong cung cấp thông tin liên quan Dự án Luật Thủ đô
Chiều 20/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Chủ trì buổi làm việc gồm: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Thu hút vốn FDI vượt kết quả năm 2022
Tại buổi làm việc, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng Thành phố 9 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng còn lại năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 tăng 6,08%, trong đó quý sau tăng cao hơn quý trước (quý 1/2023 tăng 5,81%; quý 2/2023 tăng 5,93%; quý 3/2023 tăng 6,49%), tuy nhiên tăng thấp hơn 9 tháng đầu năm 2022 (9,69%). Tình hình sản xuất tiếp tục phát triển, kinh doanh dịch vụ phục hồi khá; số lượng khách du lịch tăng cao, gấp 2,1 lần (9 tháng năm 2022 tăng 2,2 lần), trong đó khách quốc tế gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 305.321 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán, tăng 24,6% so với cùng kỳ; Chi ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm 2023 là 60.074 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán, tăng 23,2% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng, 9 tháng đầu năm thu hút 2.524 triệu USD vốn FDI vượt kết quả năm 2022; Có 22.895 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập với số vốn 226.852,7 tỷ đồng (tăng 2% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước)...
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo đời sống cho nhân dân và đối tượng chính sách được thực hiện tốt; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Phê duyệt, thu hồi đất Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt 90,7%
Báo cáo tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, đến nay đã phê duyệt và thu hồi đất được 717,8/791,40 ha (đạt 90,7%); Tổng số mộ chí đã di chuyển 6.353/10.059 ngôi, đạt 63,15%. Ban Quản lý dự án đã nhận 647,65/717,8 ha đạt 90,22% so với diện tích đất đã thu hồi giải phóng mặt bằng của các quận, huyện để tổ chức rà phá bom mìn xong để bàn giao cho các nhà thầu thi công xây dựng; Đã khởi công, đang thực hiện 8/13 khu tái định cư.
Về thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và khởi công xây dựng công trình, đối với Dự án thành phần 1.1: hạng mục di dời điện cao thế, Sở Công thương Hà Nội đã hoàn thành công tác thẩm định, dự kiến phê duyệt thiết kế trong tháng 10/2023 và ký hợp đồng trước ngày 20/12/2023.
Dự án thành phần 2.1 đã được khởi công vào ngày 25/6/2023. Các nhà thầu thi công đã hoàn thiện các thủ tục xây dựng, trong đó đã xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị, trình nguồn vật liệu đầu vào,… phục vụ thi công công trình. Trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu. Đã thi công bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 15km, đắp nền K95 khoảng 2,5km, đang triển khai thi công rải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu; thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch...
Luật Thủ đô có nhiều cơ chế đặc thù, phạm vi tác động rộng
Báo cáo góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật đặc biệt, có nhiều cơ chế đặc thù, có phạm vi tác động rộng, khác biệt với nhiều luật và văn bản dưới luật hiện hành, tác động đến thẩm quyền của nhiều cơ quan Trung ương; một số vấn đề mới, đặc thù có nội dung phức tạp, khó về kỹ thuật lập pháp. Chính vì vậy, quá trình thảo luận về dự án Luật tại Quốc hội sẽ không tránh khỏi việc có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở cùng một vấn đề.
Trong thời gian bước vào kỳ họp Quốc hội sắp tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành Thành phố tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc giải trình, thuyết minh về dự án Luật; bám sát các cơ quan thuộc Quốc hội, Bộ, ngành Trung ương để báo cáo giải trình, làm rõ về dự án Luật để tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan Trung ương, đại biểu Quốc hội về dự án Luật.
Để giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa và các cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), từ đó tạo sự ủng hộ, góp ý thiết thực, hiệu quả cho dự án Luật tại diễn đàn Quốc hội, UBND TP kính đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố quan tâm nghiên cứu, góp ý đối với Luật Thủ đô (sửa đổi), cho ý kiến đối với những nội dung đề nghị của Thành phố nêu tại mục I - đặc biệt là các nội dung quy định về quyết định biên chế, thẩm quyền của Thường trực HĐND TP, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, hình thức hợp đồng BT, quy định về giữ lại tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố…
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiều đổi mới
Trình bày tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết: Cử tri và Nhân dân Thủ đô ghi nhận tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có những đổi mới trong tiếp xúc cử tri định kỳ; tiếp xúc cử tri chuyên đề về công tác phòng cháy, chữa cháy, về Luật Thủ đô (sửa đổi); đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Cử tri đề nghị Quốc hội đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi); đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô; có giải pháp khắc phục những hạn chế về chương trình sách giáo khoa hiện nay; Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân khám bằng bảo hiểm y tế; ưu tiên đầu tư các dự án về giao thông nhằm giảm ùn tắc, ngập úng. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị các ngành chức năng có biện pháp xử lý dứt điểm các dự án đất chậm triển khai; có quy định cụ thể về quản lý, sử dụng và các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với loại hình nhà chung cư mini; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
Sau khi nghe đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân TP báo cáo, hội nghị đã tiến hành thảo luận. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TP Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Thành ủy trong việc triển khai tổ chức thực hiện những chủ trương lớn, như: Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)... Các đại biểu cũng đã nêu thêm một số vấn đề cử tri kiến nghị và công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thủ đô.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với công tác phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định, trong 9 tháng đầu năm các cấp, các ngành vào cuộc một cách tích cực, chủ động, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và chăm lo giải quyết tốt an sinh xã hội, các vấn đề dân sinh bức xúc, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Thống nhất với các giải pháp đã nêu trong các báo cáo của các cơ quan, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thêm 5 nội dung quan trọng, trong đó yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng, các Chương trình trình công tác của Thành ủy khóa XVII, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trước mắt tại Kỳ họp thứ 6, các cơ quan Thành phố phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP để cung cấp thông tin trong quá trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Cùng với đó, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, nhất là cấp cơ sở. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án; Triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25 - CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới.