Phối hợp đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Thực hiện chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2023, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm trường/lớp mầm non tư thục TP.Đông Hà -Ảnh: TÚ LINH

Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm trường/lớp mầm non tư thục TP.Đông Hà -Ảnh: TÚ LINH

Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.360 doanh nghiệp và 15 hợp tác xã đang hoạt động, sử dụng khoảng 55.000 lao động. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Có 309 doanh nghiệp địa phương thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) với tổng số 12.988 đoàn viên. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh phối hợp chỉ đạo 16 CĐCS trực thuộc trung ương trên địa bàn với gần 5.000 đoàn viên.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập cho biết, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, LĐLĐ và Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch của tỉnh có liên quan đến NLĐ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được hai đơn vị chú trọng phối hợp triển khai với hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.

Trong đó, tập trung tuyên truyền về Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Việc làm; tham gia đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật; các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ...

Những phối hợp hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của NLĐ và người sử dụng lao động, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Tiếp tục phối hợp triển khai đến các doanh nghiệp, các cấp công đoàn bộ tài liệu mẫu về hợp đồng lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế dân chủ. Kết quả, đã có 59 doanh nghiệp đăng ký mới nội quy lao động, 42 doanh nghiệp đăng ký thỏa ước lao động tập thể.

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Lao động-Việc làm, Sở LĐ,TB&XH cho biết, sở đã phối hợp tổ chức 7 lớp tập huấn về Bộ luật Lao động năm 2019 cho 520 NLĐ. Tham gia đối thoại hội nghị NLĐ và đối thoại tại 4 doanh nghiệp, qua đó phổ biến các quy định về mới của Bộ luật Lao động cho các lao động. Phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp với người sử dụng lao động và NLĐ tại 11 doanh nghiệp chế biến gỗ dăm để giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), liên ngành đã xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ” gắn với tổ chức “Tháng Công nhân” hằng năm.

Tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, các biện pháp đảm bảo an toàn cho NLĐ. Quan tâm đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức các lớp huấn luyện ATVSLĐ theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Đặc biệt, năm 2023, liên ngành phối hợp tham mưu UBND tỉnh tổ chức lễ phát động “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về ATVSLĐ” và đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với 400 cán bộ công đoàn, NLĐ; tập hợp hơn 600 ý kiến của đoàn viên và NLĐ để kiến nghị với lãnh đạo tỉnh.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành giải quyết ngay những kiến nghị trong thẩm quyền quyết định của các đơn vị. Sau đối thoại, UBND tỉnh có thông báo kết luận, yêu cầu các cấp, các ngành tập trung giải quyết những kiến nghị của đoàn viên, NLĐ.

Liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn, BHXH và công tác ATVSLĐ tại 196 doanh nghiệp, trong đó cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát tại 47 doanh nghiệp.

Qua đó, liên ngành đã hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, xây dựng nội quy lao động, thang lương, bảng lương, ký kết hợp đồng lao động... theo quy định của pháp luật lao động.

Phối hợp tổ chức diễn đàn “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể”, đánh giá thực trạng công tác thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, tìm ra những giải pháp hiệu quả để hỗ trợ CĐCS đảm bảo đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn cho NLĐ.

Trong công tác giải quyết đơn thư kiến nghị, liên ngành phối hợp tổ chức đối thoại, giải quyết kịp thời kiến nghị của đoàn viên bị vi phạm quyền lợi về chế độ tiền lương, BHXH tại Công ty TNHH In Hongyang, Công ty Cổ phần May Quảng Trị. Kết quả đã giải quyết đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại Công ty TNHH In Hongyang và giải quyết được chế độ thai sản, ốm đau cho một số NLĐ tại Công ty Cổ phần May Quảng Trị.

Phối hợp giải quyết vụ việc nợ lương NLĐ tại Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại tổng hợp Tân Ký. Việc phối hợp giải quyết đơn thư của các bộ phận liên quan của liên ngành đã có sự bàn bạc, thống nhất cao, tạo được sự đồng thuận của NLĐ và người sử dụng lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhằm phục vụ phát triển KTXH địa phương, ngành LĐTB&XH tham mưu, LĐLĐ tỉnh tham gia để UBND tỉnh ban hành Đề án Đào tạo nghề phục vụ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Nhìn lại quá trình phối hợp đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, lãnh đạo của Sở LĐTB&XH và LĐLĐ tỉnh cho biết, liên ngành đã bám sát sự chỉ đạo, chủ trương của Bộ LĐTB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lựa chọn những nội dung công việc trọng tâm, sát với điều kiện thực tế của địa phương để triển khai hiệu quả công tác phối hợp.

Tất cả vì mục tiêu đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; phát triển lực lượng công nhân lao động của tỉnh tăng cả về số lượng, chất lượng; nâng cao trình độ, đảm bảo đời sống của NLĐ.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phoi-hop-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-186309.htm