Phối hợp đánh mạnh các băng nhóm tội phạm trên địa bàn giáp ranh

Qua vụ cướp ngân hàng xảy ra Phòng Giao dịch Nhị Xuân, Ngân hàng thương mại Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (trụ sở ở đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) vào cuối tháng 10 vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh nhận thấy, tội phạm cướp tài sản ngày càng tinh vi, manh động.

Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh nhận định, đây là lần đầu tiên trên địa bàn xuất hiện một băng cướp ngân hàng có những hành vi, phương thức, thủ đoạn lạ lùng, táo tợn và cũng hết sức tinh vi. Băng nhóm này gồm 3 đối tượng quen biết nhau ở hội “Những người vỡ nợ muốn làm liều” trên mạng xã hội nên không biết rõ gì về nhau, thậm chí dùng tên giả với nhau. Ngay sau khi gây án xong, cướp được tổng số hơn 3,8 tỷ đồng, chúng xóa sạch các dấu vết, chia tiền xong thì cả nhóm chia tay, mạnh ai nấy trốn, thậm chí đã mua vé định trốn ra nước ngoài…

Hai đối tượng Nguyễn Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Bích Tuyền trong băng cướp cùng tang vật.

Hai đối tượng Nguyễn Ngọc Mỹ, Nguyễn Thị Bích Tuyền trong băng cướp cùng tang vật.

Với quyết tâm cao, sau 22h phá án, lực lượng phá án đã lần lượt bắt giữ được các đối tượng gây án và làm rõ vụ cướp này, thu hồi tài sản. Để có được kết quả này phải kể đến công tác phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng tham gia phá án và Công an quận, huyện trên địa bàn giáp ranh.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Công an huyện Hóc Môn, cho biết khi tiếp nhận phối hợp điều tra vụ việc, xác định vụ việc nghiêm trọng, các nghi phạm đã nghiên cứu địa bàn huyện Hóc Môn rất kỹ sau đó mới thực hiện hành vi, đến tẩu thoát, chấp hành mệnh lệnh chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh nên Công an huyện đã huy động toàn bộ lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để điều tra phá án…

Qua công tác đấu tranh với các loại tội phạm cho thấy, tội phạm xâm phạm sở hữu chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu tội phạm. Đối tượng gây án thường có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, không có việc làm ổn định. Các đối tượng có thể hoạt động đơn lẻ hoặc tụ tập thành những băng, nhóm chuyên nghiệp để thực hiện các vụ trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản gây bức xúc cho người dân. Tội phạm thường lựa chọn mục tiêu gây án phụ thuộc vào đặc điểm tài sản định chiếm đoạt. Các đối tượng phạm tội cướp tài sản thường muốn chiếm đoạt tài sản có giá trị cao, dễ vận chuyển, tiêu thụ, cất giấu... Đồng thời, người bị hại ít có khả năng chống cự hoặc các đối tượng có khả năng loại trừ được khả năng chống cự của họ.

Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm phương tiện trao đổi thông tin, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan Công an.

Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, phòng ngừa ngay từ cơ sở, Công an các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp để nhận diện các băng nhóm tội phạm mới.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Công an huyện Hóc Môn cho biết với tinh thần cương quyết đấu tranh, Công an huyện tăng cường quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và điều tra khám phá các vụ việc khi có các sự cố xảy ra để đấu tranh có hiệu quả…

Là địa bàn giáp ranh với huyện Hóc Môn, Công an quận 12 cũng đã chủ động các phương án phòng ngừa tội phạm ngay trên địa bàn của mình, từ đó có cơ sở vững chắc để phối hợp với các địa phương, đơn vị khi có vụ việc xảy ra.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Dư, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận 12, Công an quận đã mở các hội nghị mời tất cả các quản lý chi nhánh ngân hàng trú đóng trên địa bàn và các tiệm vàng, thậm chí cả các tiệm cầm đồ, lên ký các quy ước về phòng ngừa tội phạm chung. Công an quận 12 cũng đã chủ động cho lực lượng Cảnh sát khu vực đi xuống từng ngân hàng để kiểm tra lại hệ thống bảo vệ, hệ thống camera an ninh và thực hiện quy ước phối hợp khi phát hiện đối tượng nghi vấn là phải báo ngay cho Cơ quan Công an gần nhất. Công an quận 12 cũng chủ động rà soát các đối tượng cộm cán, các đối tượng cơ nhỡ, thất nghiệp… đưa vào danh sách quản lý nghiệp vụ để có đối sách hiệu quả với phương châm là phòng ngừa từ đầu…

Trên địa bàn toàn thành phố, lực lượng Công an sẽ tiếp tục nhận diện các phương thức thủ đoạn, đặc biệt là những thủ đoạn mới, đánh giá, phân tích đặc điểm từng loại tội phạm để có giải pháp đấu tranh, xử lý, phòng chống một cách hiệu quả, đánh trúng, đánh đúng các “tử huyệt” của tội phạm; giải quyết các vấn đề nổi lên ngay từ cơ sở, ngay từ khi mới phát sinh; phát hiện đấu tranh xử lý những chuyên án có tính chất lan tỏa, làm điểm để răn đe, phòng ngừa, nhất là đối với những phương thức thủ đoạn mới.

Riêng với tội phạm cướp ngân hàng, hiện nay, Công an các quận, huyện, các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát công tác phòng ngừa tội phạm tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng để có kiến nghị giải pháp tăng cường phòng, chống loại tội phạm này. Bên cạnh sự quyết liệt đấu tranh đối với loại tội phạm này mà nòng cốt là lực lượng Công an thì các ngân hàng cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ.

Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, các ngân hàng phải đào tạo cho lực lượng an ninh, nhân viên bảo vệ của mình, làm sao có thể nhận biết được các đối tượng nào có khả năng gây án, những công cụ, phương tiện nào mà các đối tượng gây án có thể sử dụng để uy hiếp bảo vệ, cũng như kịp thời nhận diện các đối tượng để hỗ trợ lực lượng Công an trong việc truy bắt. Ban Giám đốc Công an thành phố cũng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung lực lượng để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm này.

Phú Lữ - Minh Duyên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/phoi-hop-danh-manh-cac-bang-nhom-toi-pham-tren-dia-ban-giap-ranh-i713305/