Phối hợp hiệu quả giữa ngành Thuế và tổ chức Công đoàn

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang phối hợp hiệu quả với ngành Thuế để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật thuế và pháp luật Công đoàn; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trích đóng kinh phí công đoàn và hỗ trợ cung cấp thông tin để tăng cường công tác quản lý của các bên.

Hà Nội là địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp và có đông công nhân lao động với khoảng 270.000 tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 2,7 triệu lao động. Thực tế cho thấy, bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, thu nộp bảo hiểm, đóng kinh phí công đoàn vẫn còn những doanh nghiệp nợ đọng thuế, có hành vi trốn thuế; tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Từ thực tế đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) và Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp công tác, giai đoạn 2020 - 2025, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên; đồng thời, chỉ đạo cơ quan Thuế và Công đoàn cùng cấp ký chương trình phối hợp để triển khai thực hiện tại địa phương.

Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ và Cục Thuế thành phố Hà Nội được khen thưởng. Ảnh: Mai Quý

Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ và Cục Thuế thành phố Hà Nội được khen thưởng. Ảnh: Mai Quý

Theo ông Lê Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội, chương trình phối hợp công tác, giai đoạn 2020 - 2025, giữa LĐLĐ và Cục Thuế thành phố Hà Nội tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật thuế và pháp luật Công đoàn; hỗ trợ cung cấp thông tin để tăng cường công tác quản lý; phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra đóng kinh phí công đoàn. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp công tác, LĐLĐ và Cục Thuế thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, nội dung chương trình đã được ký kết.

Trong công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật thuế và pháp luật Công đoàn, LĐLĐ và Cục Thuế Thành phố, Chi cục Thuế và LĐLĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở; đồng thời, sử dụng nhiều hình thức như thông qua các buổi tập huấn, qua hệ thống thư điện tử của cơ quan Thuế, qua bộ phận một cửa khi doanh nghiệp đến làm hồ sơ thành lập mới; qua các cuộc thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế… để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hiểu và chấp hành thực hiện chính sách pháp luật về thuế, pháp luật công đoàn…

LĐLĐ Thành phố đã hệ thống, lựa chọn những nội dung cơ bản của Luật Công đoàn và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn để biên soạn tài liệu sử dụng thống nhất trong hệ thống Công đoàn, cung cấp để Cục Thuế tuyên truyền. Cụ thể là quy định về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng kinh phí công đoàn và trách nhiệm chăm lo của Công đoàn cấp trên cơ sở đối với người lao động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí công đoàn theo đúng quy định của pháp luật.

Việc trao đổi thông tin giữa LĐLĐ và cơ quan Thuế cùng cấp được thực hiện thường xuyên, linh hoạt thông qua nhiều hình thức đã giúp cho cơ quan Thuế và Công đoàn nắm thông tin của người nộp thuế như: Đăng ký mới, thay đổi đăng ký thuế, chia/tách/sáp nhập/giải thể, thời gian tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, giải thể, vi phạm không đóng kinh phí công đoàn. Trong giai đoạn 2020 - 2024, cơ quan Thuế đã cung cấp cho các cấp Công đoàn thông tin 73.369 doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động; 6.364 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm qua thanh tra, kiểm tra. Công đoàn đã cung cấp cho cơ quan Thuế các đơn vị không trích đóng kinh phí công đoàn, đơn vị trích đóng thiếu kinh phí công đoàn. Một số LĐLĐ quận, huyện, thị xã đã đề nghị cơ quan Thuế cùng cấp hỗ trợ cung cấp thông tin các doanh nghiệp đang hoạt động để làm cơ sở lập dự toán, giao dự toán và thu kinh phí công đoàn.

Trong công tác phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ trích đóng kinh phí công đoàn, hằng năm, các cấp Công đoàn đã rà soát và cung cấp danh sách các đơn vị chây ỳ trong việc đóng kinh phí công đoàn và số kinh phí công đoàn đơn vị phải đóng cho cơ quan Thuế. Cục Thuế Thành phố đã chỉ đạo các phòng thanh tra, kiểm tra và các Chi cục Thuế đưa nội dung trích, nộp kinh phí công đoàn của tổ chức chi trả thu nhập là một trong các nội dung khi tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện các trường hợp kê khai thuế, nhưng chưa trích, nộp kinh phí công đoàn. Cụ thể, tổng hợp từ 23.622 cuộc thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế có nội dung phối hợp, rà soát, đối chiếu việc trích nộp giai đoạn 2020 - 2024 phát hiện 6.364 lượt tổ chức chi trả thu nhập có vi phạm về kinh phí công đoàn. Sau khi thanh tra, kiểm tra, cơ quan Thuế và LĐLĐ Thành phố, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã đã phối hợp đôn đốc, yêu cầu các đơn vị vi phạm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phải khẳng định rằng, các cấp Công đoàn và cơ quan Thuế của Thành phố đã và đang có sự phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên, đồng thời, thực hiện tốt công tác đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội hằng năm của Thành phố.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phoi-hop-hieu-qua-giua-nganh-thue-va-to-chuc-cong-doan-180466.html