Phối hợp nhiều biện pháp ứng phó động đất tại Kon Tum
Đề nghị không tích thêm nước tại hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum, đồng thời tăng cường kiểm tra các hồ chứa thủy lợi trong vùng và trực ban thường xuyên để ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai nêu những đề nghị nói trên tại cuộc họp ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) và lân cận có tần suất thường xuyên và xu hướng mạnh dần.
Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ năm 2021 đến nay, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn trên 2,5 độ richter.
Ông Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh từ tháng 3/2021 thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và sau đó liên tiếp xảy ra động đất. Theo nhận định của Viện Vật lý địa cầu, động đất có thể liên quan đến động đất kích thích giống như ở Thủy điện Sông Tranh 2 trước đây. Thực tế, từ ngày 15-18/4, đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với 22 trận có độ lớn từ 2,5 độ richter đến 4,5 độ richter. Hiện Viện Vật lý địa cầu có 3 trạm quan trắc ở khu vực này đang bám sát theo dõi tình hình.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết trên địa bàn huyện Kon Plông, trong những ngày từ 15-17/4 liên tiếp xảy ra các trận động đất. Cụ thể, ngày 15/4, xảy ra 7 trận động đất, vị trí chấn tâm chủ yếu trên địa bàn xã Đăk Tăng, Đăk Ring. Trong đó, trận động đất có cường độ cao nhất là 4,1 độ richter trên địa bàn xã Đăk Tăng, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Ngày 16/4, xảy ra 2 trận động đất trên địa bàn xã Đăk Ring có cường độ 3,3 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,5 km và xã Măng Bút có cường độ 2,5 độ richter.
Ngày 17/4, xảy ra 1 trận động đất có cường độ 2,8 độ richter trên địa bàn xã Măng Bút, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhìn nhận cần có những ứng phó kịp thời với các diễn biến hiện nay để bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản của quốc gia.
Theo đó, ông Hoài đề nghị Viện Vật lý địa cầu tăng cường theo dõi, phối hợp với các nhà máy thủy điện và địa phương để cung cấp thông tin nhanh chóng. Viện Vật lý địa cầu cần rà soát lại hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần trong thời gian vừa qua.
Đối với tỉnh Kon Tum, sau cuộc họp này, tỉnh cần giao nhiệm vụ cho các đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra sự cố động đất vừa qua để xác định nguyên nhân cũng như nguy cơ có thể xảy ra những tình huống mới.
Đặc biệt cần có thông tin sớm hơn và thông tin chính xác để không gây hoang mang dư luận. Thông tin kịp thời cũng giúp người dân chủ động với các tình huống, đặc biệt khi đang tham gia giao thông trên đường nếu xảy ra sự cố thì có thể bình tĩnh ứng phó, không hoang mang, để tránh tình trạng thông tin thất thiệt như năm 2015 ở thủy điện sông Tranh.
Theo chinhphu.vn