Phối hợp quản lý chặt tài nguyên khoáng sản

Để ngăn ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp quản lý. Gần đây nhất là việc triển khai dự án nâng cấp hệ thống giám sát khoáng sản đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), bảo đảm kết nối liên thông với trạm cân tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Đầu tư 2,3 tỷ đồng nâng cấp phần mềm giám sát

Thực hiện quy định phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoáng sản), đến nay, toàn tỉnh có hơn 50 điểm mỏ được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là đất san lấp) thuộc đối tượng phải lắp đặt trạm cân và camera giám sát (trừ các mỏ khoáng sản cát, sỏi lòng sông). Quy định lắp trạm cân tại các điểm mỏ nhằm giúp cơ quan nhà nước giám sát được sản lượng khoáng sản từ mỏ đưa ra bên ngoài tiêu thụ, doanh nghiệp kiểm soát được tải trọng xe.

 Trạm cân được lắp đặt tại mỏ đất Nội Ninh, phường Ninh Sơn (thị xã Việt Yên).

Trạm cân được lắp đặt tại mỏ đất Nội Ninh, phường Ninh Sơn (thị xã Việt Yên).

Đến hết năm 2024, 100% số mỏ nêu trên đều lắp camera, nhưng mới có hơn 30 mỏ lắp được trạm cân, số còn lại là mỏ chưa hoạt động hoặc đang dừng hoạt động. Tuy nhiên, việc lắp trạm cân tại các mỏ khai thác trên địa bàn tỉnh chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân do phần mềm giám sát tại các trạm cân chưa kết nối được với phần mềm giám sát của Sở TN&MT; nhiều trạm cân chưa có thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu phù hợp; cơ quan quản lý, chính quyền địa phương không có người giám sát trực tiếp nên có những mỏ có trạm cân nhưng hoạt động chưa đúng quy định.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2024, UBND tỉnh đã bố trí ngân sách, giao Sở TN&MT phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị nâng cấp phần mềm giám sát trung tâm quản lý các trạm cân đặt tại Sở TN&MT. Theo ông Ngô Trí Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên và khoáng sản (Sở TN&MT), cuối tháng 12/2024, Sở đã lựa chọn được nhà thầu là Công ty cổ phần Chuyển đổi số Vietants thực hiện dự án “Xây dựng, nâng cấp hệ thống giám sát khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Dự án có tổng kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong 2 tháng. Phạm vi gói thầu là đầu tư nâng cấp tính năng cũ, xây dựng mở rộng thêm tính năng mới cho phần mềm trung tâm. Tạo lập cơ sở dữ liệu về giấy phép, thông tin doanh nghiệp, các tài liệu, văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Đồng thời xây dựng mới và cung cấp 1 phần mềm máy trạm chung tại mỏ cho tất cả các doanh nghiệp cài đặt và sử dụng; hỗ trợ cài đặt, kết nối, đào tạo, chuyển giao công nghệ vận hành và bảo trì hệ thống cho cán bộ, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hiện đơn vị trúng thầu đang tập trung cao các phần việc, phấn đấu hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.

Tiếp tục quản chặt, xử nghiêm

Phần mềm, đường truyền kết nối dữ liệu giữa trung tâm giám sát với trạm cân tại các điểm mỏ khai thác khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản của cơ quan chuyên môn tỉnh. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, để nâng cao hiệu quả giám sát qua phần mềm sau khi nâng cấp, đơn vị yêu cầu tất cả các mỏ phải lắp đặt trạm cân trước khi đi vào hoạt động kết nối với phần mềm chung. Vị trí lắp đặt các trạm cân sẽ được nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng, bảo đảm tất cả các phương tiện khi rời mỏ phải đi qua trạm cân, không để xảy ra tình trạng đi đường vòng “né” trạm.

Được biết, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ trong triển khai, thực hiện các biện pháp quản lý trong lĩnh vực khoáng sản. Ngày 10/5/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý việc khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… Cùng đó, tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT đưa ra đấu giá công khai các điểm mỏ khoáng sản để lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực tổ chức khai thác và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ thuế, phí theo quy định.

Thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian qua, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. Thông tin từ Văn phòng Công an tỉnh, riêng năm 2024, Công an tỉnh đã khởi tố 6 vụ 6 bị can về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản; xử phạt hành chính 111 vụ việc (97 cá nhân, 14 tổ chức) vi phạm, chuyển cơ quan chức năng xử phạt tổng số tiền 5,8 tỷ đồng. Các địa phương có nhiều trường hợp bị xử lý là: Lục Nam, thị xã Việt Yên và TP Bắc Giang... Về phía Sở TN&MT, đơn vị đã kiểm tra, phối hợp kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp vi phạm, xử lý và kiến nghị xử lý 4 trường hợp với tổng tiền phạt gần 2,8 tỷ đồng; ngoài ra chuyển cơ quan công an tiếp tục làm rõ 1 vụ việc.

Đại diện lãnh đạo Phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường ( Công an tỉnh) nhận định, do nguồn lợi từ khoáng sản lớn, trong khi chế tài xử lý vi phạm lĩnh vực này còn nhẹ (cá nhân có hành vi khai thác trái phép khoáng sản bị xử phạt cao nhất là 7 năm tù) nên nguy cơ vi phạm khoáng sản còn cao. Phòng đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc báo cáo cấp trên tham mưu với tỉnh kiến nghị về nội dung này. Cùng đó giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ bám nắm địa bàn, tích cực kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện vi phạm từ khi mới phát sinh, xử lý nghiêm theo quy định.

Thực tế cho thấy, đơn vị, địa phương nào quyết liệt vào cuộc trong công tác này thì vi phạm ở nơi ấy giảm hẳn. Đơn cử như cuối năm 2024, Công an huyện Lạng Giang kiên quyết lập biên bản, tịch thu tang vật vi phạm là 2 máy xúc (trị giá hàng trăm triệu đồng/máy) của các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đưa ra đấu giá thì từ đó đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện giảm rõ rệt.

Bài, ảnh: Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/phoi-hop-quan-ly-chat-tai-nguyen-khoang-san-postid411296.bbg