Phối hợp quản lý, khai thác tàu cao tốc, phà biển nối TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu
Từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 3 tuyến tàu cao tốc, phà.
Theo dự kiến, hội nghị trao đổi giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3 sẽ diễn ra tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tham dự hội nghị có lãnh đạo, sở ngành các tỉnh, TP vùng Đông Nam Bộ.
Trước đó vào tháng 3-2023, TP.HCM đã ký biên bản thỏa thuận về hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Theo thỏa thuận hợp tác, các địa phương trong vùng sẽ hợp tác cùng nhau phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể gồm các lĩnh vực: Công tác quy hoạch; điều phối phát triển vùng; cung cầu, xúc tiến đầu tư, thương mại; kết nối hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ; giáo dục, y tế, chuyển đổi số…
Theo dự kiến, tại hội nghị lần thứ 3, sẽ tập trung báo cáo, ký kết thỏa thuận hợp tác giữa ngành Y tế TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ; liên kết, phát triển hệ thống hội chẩn từ xa để chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng, nâng cao năng lực y tế tại các địa phương để giảm áp lực cho TP.HCM.
Bên cạnh đó, Hội nghị này cũng dự kiến bàn về việc hợp tác giữa TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nội dung chủ yếu tập trung vào việc nâng tầm kết nối giữa hai địa phương qua việc phối hợp chặt chẽ trong quản lý, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến vận tải thủy Vũng Tàu - cảng Bạch Đằng (quận 1); đưa vào khai tuyến vận tải hàng hóa, hành khách kết hợp du lịch TP.HCM - Côn Đảo.
Về kết quả hợp tác khai thác, phát triển các tuyến vận chuyển đường thủy nội địa giữa hai địa phương, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, đối với tuyến phà Cần Giờ - Vũng Tàu (12 km) đã đưa vào hoạt động từ năm 2021.
Tuyến này đã phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa 2 địa phương. Hiện nay, theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050, vị trí bến phà tại khu vực Sao Mai để kêu gọi đầu tư bến phà biển phục vụ nhu cầu đi lại giữa Vũng Tàu - TP.HCM, Vũng Tàu - Côn Đảo và các khu vực Tây Nam bộ trong tương lai.
Đối với tuyến Vũng Tàu - cảng Bạch Đằng (quận 1), cự ly khoảng 85 km thì Sở GTVT hai địa phương thường xuyên phối hợp trong công tác quản lý khai thác.
Ngoài ra, đối với tuyến vận chuyển hành khách, khách du lịch đường thủy từ TP.HCM đi trực tiếp ra Côn Đảo đã được Bộ GTVT công bố tháng 10-2022 về sửa đổi bổ sung quy định về quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam.
Các doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác tuyến phải đảm bảo các yêu cầu và hoàn thiện hồ sơ khai thác tuyến theo quy định gửi cơ quan có thẩm quyền để được chấp thuận khai thác tuyến.
Hiện nay, cảng Bến Đầm (Côn Đảo) đã được đầu tư nâng cấp nâng cao năng suất khai thác cầu bến. Bên cạnh đó, cảng tàu khách Côn Đảo cũng đã được khánh thành, hoạt động. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải đăng ký tham gia khai thác vận tải trên tuyến Côn Đảo - TP.HCM và các tuyến kết nối Côn Đảo với các địa phương khu vực Tây Nam bộ.
Các địa phương cũng đã có hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tuyến để được cấp phép theo quy định, sớm đưa vào hoạt động…