Phòng bệnh cho học sinh trong năm học mới

Ngày mai 5-9, hơn 750 ngàn học sinh các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông trong toàn tỉnh sẽ chính thức bước vào năm học mới.

Giáo viên Trường mầm non IGC Kiddy cơ sở Trảng Dài phơi đồ chơi, đồ dùng học tập của học sinh dưới nắng để diệt khuẩn. Ảnh: H.DUNG

Giáo viên Trường mầm non IGC Kiddy cơ sở Trảng Dài phơi đồ chơi, đồ dùng học tập của học sinh dưới nắng để diệt khuẩn. Ảnh: H.DUNG

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của một số loại bệnh truyền nhiễm như: sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, các ngành giáo dục và y tế đã, đang triển khai nhiều hoạt động để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

Rà soát đối tượng để tiêm vaccine phòng bệnh sởi

Cuối tháng 8 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương giáp Đồng Nai, đã chính thức công bố dịch bệnh sởi. Tại Đồng Nai, những tuần gần đây, số ca bệnh sởi cũng gia tăng nhanh chóng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 100 ca bệnh sởi. Trong đó, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất mới 4,5 tháng tuổi. Bệnh nhân mắc bệnh sởi lớn tuổi nhất là 14 tuổi.

Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền cho biết, bệnh sởi lây qua đường hô hấp, qua các giọt bắn từ người bệnh sang người lành. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh sởi nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ liều. Tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sởi cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, tức là trẻ đang học tại các trường mẫu giáo, mầm non.

Trên địa bàn tỉnh đang có các loại bệnh truyền nhiễm lưu hành như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản B, ho gà…

“Khi học sinh bắt đầu tựu trường, nguy cơ nhiễm bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung sẽ cao hơn dịp nghỉ hè do các em tiếp xúc gần với nhau trong thời gian dài. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh cần chú ý thực hiện những biện pháp phòng dịch, dạy các em biết cách phòng bệnh để tránh lây nhiễm bệnh trong môi trường học đường” - bác sĩ Quyền khuyến cáo.

Nhằm tăng miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mới đây đã có văn bản đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với ngành giáo dục cũng như các đơn vị liên quan rà soát các đối tượng trong diện nguy cơ để triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trong đó có trẻ từ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ, kể cả trẻ vãng lai đang sinh sống tại địa phương nhưng chưa tiêm liều vaccine phòng bệnh sởi nào hoặc đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi quá một tháng trước khi triển khai tiêm. Mỗi trẻ sẽ được tiêm một mũi vaccine sởi - rubella.

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa, bác sĩ Đỗ Minh Quang cho biết, trên địa bàn thành phố có số lượng trường học và học sinh rất đông. Do vậy, ngành y tế thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh như: phun thuốc khử trùng, tập huấn, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, 2 ngành cũng rất quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú tại trường.

“Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, tổ chức bữa ăn bán trú. Qua đó, nếu các trường thực hiện chưa tốt, ngành y tế sẽ hướng dẫn để trường thực hiện đúng quy định, khuyến cáo nhà trường sử dụng các loại thực phẩm ít có nguy cơ nhiễm khuẩn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học” - bác sĩ Quang nói.

Trường học chủ động khử khuẩn, vệ sinh

Chị Trần Thị Ngọc Duyên, nhân viên văn phòng Trường mầm non IGC Kiddy cơ sở Trảng Dài (thành phố Biên Hòa), cho biết năm học 2024-2025, nhà trường có 360 trẻ các lứa tuổi từ nhà trẻ đến lớp lá. Trước thềm năm học mới, giáo viên, nhân viên trong trường đã tiến hành tổng vệ sinh toàn khuôn viên, trong lớp học, giặt rửa đồ dùng, đồ chơi, giường ngủ của trẻ. Ngoài ra, nhà trường cũng bố trí các bồn rửa tay và xà phòng ở những khu vực thuận lợi để trẻ có thể dễ dàng rửa tay sau khi chơi đùa, trước và sau khi ăn.

Nhà trường liên kết chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ. Nếu nhận thấy trẻ nào sốt cao, có biểu hiện của các bệnh đường hô hấp…, giáo viên sẽ khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi thăm khám ở những cơ sở y tế có uy tín, cho trẻ nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những trẻ khác.

Nhằm tăng cường kiến thức phòng bệnh, nhà trường mời các chuyên gia y tế đến tập huấn cho giáo viên, nhân viên, phụ huynh nhận biết triệu chứng, cách phòng ngừa các bệnh như: đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Qua đó, giúp công tác phòng bệnh được hiệu quả hơn.

Tương tự, tại Trường mầm non Song ngữ Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa), hàng ngày, hàng tuần, giáo viên và nhân viên tạp vụ đều thực hiện khử khuẩn, lau dọn, vệ sinh sạch sẽ lớp học, đồ dùng, đồ chơi của trẻ; phối hợp chặt chẽ với giáo viên để theo dõi sức khỏe của từng trẻ. Từ đó có biện pháp xử lý khi có ca bệnh xuất hiện trong trường học.

Còn tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (thành phố Biên Hòa), ngay từ khi học sinh lớp một tựu trường, giáo viên đã hướng dẫn các em rửa tay bằng xà phòng đúng cách tại bồn rửa tay đặt ở khu vực sân trường. Trước đó, giáo viên, nhân viên nhà trường đã dọn dẹp sạch sẽ khuôn viên trường, lớp học, cửa sổ, đồ dùng, tủ đựng sách vở, kệ đựng giày dép, khu vui chơi… của học sinh; tiến hành phát quang trong khuôn viên trường để diệt muỗi, phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/phong-benh-cho-hoc-sinh-trong-nam-hoc-moi-b865a07/