Phòng bệnh cho trẻ em mùa hè
Thời tiết mới bước vào mùa hè nhưng đã nắng nóng gay gắt, độ ẩm cao càng khiến không khí oi bức, cảm giác khó chịu. Tình trạng này khiến nhiều trẻ nhỏ dễ mắc bệnh do cơ thể chưa kịp thích nghi, gia tăng trẻ mắc các bệnh mùa hè, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
Bệnh nhân nhi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tại Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên, gần 100 bệnh nhân nhi mắc bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm hiện nay đang được điều trị nội trú. Tình trạng thời tiết khó chịu này nếu kéo dài dễ khiến nhiều trẻ mắc bệnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hữu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết, sau khi dịch Covid-19 lắng xuống, từ giữa năm 2022, nhiều bệnh nhân mắc vi rút Adeno và vi rút hợp bào hô hấp RSV. Đây là 2 loại vi rút nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, bệnh tiến nhanh vào phổi dễ khiến trẻ bị suy hô hấp.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang có khoảng 40 bệnh nhân nhi mắc bệnh đường hô hấp, tiêu chảy đang điều trị nội trú, một số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Văn Năm, Trưởng khoa Nhi cho biết, mùa hè thường tăng số trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn lỵ, thương hàn, tả hoặc vi rút… Ngộ độc thực phẩm cũng dễ xảy ra ở trẻ nếu trong điều kiện thời tiết nắng nóng thức ăn không được bảo quản kĩ và chế biến không bảo đảm quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm. Trẻ đi ngoài có thể ít từ 3 đến 5 lần/ngày hay nhiều hơn, thậm chí vài chục lần, cơ thể mất nước nhanh, không được điều trị kịp thời rất nguy hiểm cho trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo một số bệnh khác thường gặp vào mùa hè như: Trẻ mắc siêu vi gây sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như: Hắt hơi, sổ mũi, ho; trẻ có thể phát ban, thường là do vi rút Rubella sởi gây ra. Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ dễ lây lan thành dịch làm nhiều người mắc, đặc biệt trong môi trường học đường, nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng thành một số bệnh nguy hiểm. Bệnh sốt xuất huyết do muỗi đốt mang vi rút bệnh sốt xuất huyết gây ra. Viêm màng não là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống. Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy, quấy khóc, nôn trớ. Một số trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như trẻ quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm… Vì thế, nhiều người dễ nhầm trẻ bị viêm họng, viêm phổi hoặc tiêu chảy và tự điều trị mà không nghĩ đến các dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm màng não.
Bác sĩ Nguyễn Văn Năm khuyến cáo, để phòng bệnh rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng, bảo đảm ăn chín, uống sôi, cho trẻ ăn khoa học, không để trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ. Mọi đồ dùng cần phải sạch sẽ và hợp vệ sinh, lau sạch đồ chơi, những bề mặt trẻ tiếp xúc hằng ngày để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, khi nghi ngờ có mầm bệnh hoặc nơi có mầm bệnh không cho trẻ tiếp xúc… Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết, phun thuốc diệt muỗi theo đúng khuyến cáo… Tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và chủ động tiêm một số loại vắc xin phòng bệnh dịch vụ khác… Trẻ có các biểu hiện của bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 17 nghìn lượt bệnh nhân mắc cúm, gần 1,5 nghìn bệnh nhân mắc tiêu chảy, lỵ trực trùng, 195 bệnh nhân mắc thủy đậu, 24 bệnh nhân tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm khác như sởi, quai bị, sốt xuất huyết…
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch bệnh mùa hè nói riêng, Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng chủ động nắm bắt diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch, bệnh mới nổi trên thế giới, kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa, từ sớm, khống chế không để dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường triển khai công tác tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc xin phòng Covid-19 và một số chiến dịch tiêm chủng khác nhằm nâng cao tỉ lệ bao phủ vắc xin miễn dịch cộng đồng. Thực hiện các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh cụ thể như phòng bệnh dại và tiêm phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay – chân - miệng, chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh khác. Tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lây qua đường thực phẩm và thực hiện tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm…
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202305/phong-benh-cho-tre-em-mua-he-8e807e2/