Phòng bệnh tim mạch hiệu quả với những thói quen đơn giản

Tuổi thọ con người bình quân tăng lên, đồng nghĩa với số người cao tuổi nhiều hơn và các bệnh lý tim mạch cũng gia tăng. Điều đáng lo ngại là bệnh ngày càng trẻ hóa.

Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố liên quan đến sự gia tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Hầu hết các bệnh tim mạch là do xơ vữa động mạch. Do đó, yếu tố nguy cơ tim mạch thường là các tình trạng liên quan đến sự hình thành và phát triển của xơ vữa động mạch.

Một người có thể có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch. Các yếu tố nguy cơ này thường phát triển cùng nhau hoặc một yếu tố xuất hiện trước kéo theo các yếu tố khác cùng phát triển. Một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch càng cao.

Tuy nhiên, không phải ai có yếu tố nguy cơ cũng chắc chắn bị bệnh tim mạch. Điều này còn phụ thuộc vào việc nhận ra sớm yếu tố nguy cơ để theo dõi kiểm soát và điều chỉnh hành vi lối sống phù hợp.

Phòng bệnh tim mạch hiệu quả với những thói quen đơn giản sau:

Không hút thuốc

Hút thuốc dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao gấp 2 - 4 lần. Đồng thời, hút thuốc còn làm hẹp động mạch, tăng huyết áp khiến nhiều khả năng bị đông máu, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim.

Đặc biệt, nếu hút thuốc, những người xung quanh cũng sẽ bị "hút thuốc thụ động". Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe những người xung quanh. Những người không hút thuốc nhưng nếu thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có nguy cơ gây ra bệnh tim.

Một số loại cá như: cá hồi, cá mòi… trong chế độ ăn uống của bạn 2 lần/tuần giúp phòng tim mạch.

Một số loại cá như: cá hồi, cá mòi… trong chế độ ăn uống của bạn 2 lần/tuần giúp phòng tim mạch.

Ăn nhiều rau, quả và cá

Các chất dinh dưỡng có trong các loại rau xanh vô cùng phong phú. Trong đó có các chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch. Chúng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm với các mạch máu, giúp loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch.

Trái cây và rau quả như: cam, chuối, nấm... có nhiều kali giúp điều hòa huyết áp.

Nên bổ sung hải sản vào thực đơn, đặc biệt là một số loại cá như: cá hồi, cá mòi… trong chế độ ăn uống của bạn 2 lần/ tuần, giúp cơ thể được bổ sung axit béo omega-3. Chất này làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim do chúng làm giảm huyết áp và triglycerides trong máu.

Hạn chế ăn chất béo có hại và đồ ăn ngọt

Chất béo có hại là chất béo bão hòa. Cố gắng cắt giảm lượng chất béo này có trong các sản phẩm từ bơ, sữa, thịt… trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là nguyên nhân khiến mức độ cholesterol xấu (Chất làm tăng mảng bám vào thành mạch máu) và làm giảm cholesterol tốt (Chất có khả năng giảm mảng bám vào mạch máu).

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên: bữa ăn hàng ngày chỉ nên có khoảng 1% lượng thức ăn có chứa chất béo bão hòa.

Ngoài ra, những loại thực phẩm như: bơ thực vật, dầu ăn, thức ăn chiên xào và bánh ngọt cũng không tốt cho những người bị bệnh tim mạch, vì thế hãy hạn chế với những loại đồ ăn này.

Theo dõi, kiểm soát cholesterol, tăng huyết áp

Khi hàm lượng cholesterol trong máu tăng lên quá cao, bám vào thành động mạch, lâu ngày làm cho lòng động mạch hẹp lại, gây tắc nghẽn động mạch, ngăn chặn dòng máu đến nuôi tim, gây bệnh nhồi máu cơ tim và các biến chứng nguy hiểm khác.

Do đó, để phòng bệnh tim mạch, cần phải theo dõi và kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn ít chất béo bão hòa và các chất mỡ, ngọt, ăn các thực phẩm có nhiều chất xơ, cá, rau củ và dầu thực vật, luyện tập thể dục đều đặn giúp duy trì cân nặng cơ thể bình thường và phòng bệnh béo phì.

Ngoài ra, cần theo dõi và kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, không để huyết áp tăng cao. Vì khi huyết áp tăng cao, dễ khiến cho các chất mỡ đọng lại trên lớp vách mỏng của các động mạch, đòi hỏi tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, điều này làm tim mau mệt, có thể gây ra những cơn đau tim và bị ngất xỉu.

Để phòng bệnh tim mạch cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên. Nếu bị bệnh cao huyết áp cần có biện pháp chữa trị tốt.

Khi khám bệnh, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống, làm việc, tập thể dục… sao cho phù hợp nhất với bạn.

Những bệnh tim mạch thường có liên quan đến yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì bạn càng cần chú ý và đi kiểm tra sức khỏe sớm.

Cần tập thể dục đều đặn

Tập thể dục có thể làm tăng cholesterol "tốt" và giảm cholesterol "xấu". Có thể không nhất thiết phải tập thể dục ở một cường độ cao, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng đã giúp điều hòa hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm những nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Khám sức khỏe định kỳ

Để biết rõ tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ tim mạch cần khám sức khỏe định kỳ. Việc thăm khám để kiểm tra lượng cholesterol, lượng đường trong máu và các dấu hiệu của bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp. Thực hiện lối sống lành mạnh, vui vẻ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng bệnh tim mạch tốt hơn.

BS Nguyễn Tuấn Khánh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-benh-tim-mach-hieu-qua-voi-nhung-thoi-quen-don-gian-169250123230645257.htm