Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh: Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm
Nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an (CA) tỉnh đã phối hợp tăng cường thanh, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở bán thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trong dịp tết và lễ hội đầu năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa, thực phẩm của người dân tăng cao, do đó lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp các ngành thành lập các đoàn kiểm tra nhiều mặt hàng hiện đang được người dân sử dụng. Điển hình là các sản phẩm như: Thịt, cá, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm...
Thiếu tá Nguyễn Sơn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, CA tỉnh, cho biết ngoài kiểm tra các sản phẩm, đoàn kiểm tra liên ngành còn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nội dung kiểm tra các cơ sở này là chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), điều kiện sản xuất, chế biến, ATTP của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ… Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật về ATTP.
Nhằm kiểm soát tốt nguồn cung cấp thực phẩm, lực lượng chức năng đã chú trọng kiểm soát chặt những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình kiểm tra, đoàn liên ngành kết hợp tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của các chủ cơ sở trong bảo đảm ATTP.
Người dân tự nâng cao kiến thức về ATTP
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay, nhiều cơ sở cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, nếu không kiểm soát tốt, thực phẩm không an toàn sẽ trà trộn làm tăng nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong năm 2022, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh đã kiểm tra phát hiện, xử lý 75 vụ việc về ATTP, với số tiền phạt gần 3 tỷ đồng. Những hành vi vi phạm chủ yếu là không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải và sản phẩm phục vụ kinh doanh; để nguyên liệu sống và thành phẩm chung kho chứa; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giết mổ gia súc tại địa điểm không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kinh doanh thịt gia súc (heo) không có dấu kiểm soát giết mổ…
Để người tiêu dùng không trở thành nạn nhân của thực phẩm “bẩn”, thực phẩm kém chất lượng, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Bình Dương khuyến cáo các tổ chức, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh hãy thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh ATTP, như: Nói không với thực phẩm trôi nổi trên thị trường; tránh mua những sản phẩm không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất và không ghi hạn sử dụng; thực hiện tốt nguyên tắc mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý; không nên có thói quen mua và tích trữ quá nhiều thực phẩm, tránh dễ bị hỏng lại mất ngon và lãng phí; cần có chế độ ăn hợp lý cho những thành viên, theo độ tuổi trong gia đình. Đối với các sản phẩm nem, chả và các sản phẩm từ thịt thì nguy cơ ô nhiễm hàn the rất dễ xảy ra. Việc dùng nhiều hàn the trong chế biến thực phẩm có thể gây ngộ độc cấp và mãn tính cho người sử dụng…
Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống không tuân thủ các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP; quá trình sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây ra ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật hình sự hiện hành.
Quần chúng nhân dân thực hiện trách nhiệm của người tiêu dùng, giám sát khi biết, thấy các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống không tuân thủ các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP, có khả năng gây ra ngộ độc thực phẩm thì kịp thời báo tin, tố giác các hành vi vi phạm đến các cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP, nhất là lực lượng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Bình Dương, để tiến hành làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Sơn Ca, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh, cho rằng để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm sức khỏe cho người dân, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì đối với mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, hư hỏng…