Phòng cháy luôn quan trọng hơn chữa cháy

Giải pháp phòng cháy là điều ai cũng thấy cần thiết, nhưng ai cũng bẽ bàng khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ khuya 12-9.

Tại một chung cư cũ, khu vực để xe máy có hàng chục đồng hồ điện với hệ thống lưới điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Tại một chung cư cũ, khu vực để xe máy có hàng chục đồng hồ điện với hệ thống lưới điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Rõ ràng, giải pháp phòng cháy đã không được quan tâm, khi diện tích đất 200m2 trong ngõ nhỏ được cấp phép xây dựng 6 tầng, lại biến thành chung cư mini 9 tầng làm nơi sinh sống khoảng 150 người. Chủ nhân của chung cư mini đã bị khởi tố và bắt giam, còn trách nhiệm của cán bộ quản lý địa bàn và các cơ quan chức năng vẫn phải làm sáng tỏ.

Tuy nhiên, sự trừng phạt và sự oán trách không thể nào cứu lại 56 sinh mạng đã bị tước đoạt một cách oan uổng.

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) các cơ sở thuộc diện phải có thiết kế và thẩm duyệt trước khi xây dựng công trình. Trong quá trình thi công, nếu có sự thay đổi về thiết kế so với bản vẽ, phải nộp báo cáo cho đơn vị cảnh sát PCCC.

Đây là thủ tục hành chính phải được đánh giá và chấp nhận. Từ hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy, hệ thống chống sét, hệ thống tăng áp hút khói, kiến trúc cầu thang thoát hiểm, cho đến các hạng mục đặc biệt như kho gas, máy biến áp, máy phát điện đều được nghiệm thu về PCCC trong nghiệm thu tổng thể công trình.

Việc duy trì tình trạng an toàn không để xảy ra cháy, xét về thực chất là sự tác động tích cực của con người nhằm phòng cháy tại cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả nếu có cháy xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng cứu con người và tài sản.

Cho nên, không thể buông bỏng công tác phòng cháy nhằm loại trừ, hạn chế các yếu tố, điều kiện gây cháy, chống cháy lan và dập tắt đám cháy. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội đã báo động việc tăng cường giải pháp PCCC tốt hơn nữa, mới mong tránh được hỏa hoạn ở khu dân cư.

Các quy định về PCCC rất đầy đủ và chặt chẽ, nhưng cơ chế thực thi và giám sát thường xuyên bị xem nhẹ. Vì nể nang và vì những quan hệ tế nhị xen lẫn phức tạp khác, ý thức phòng cháy không được bảo đảm ở khu dân cư.

Về pháp lý, đã có hàng trăm văn bản về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn nhà ở phải có lối thoát hiểm và phương tiện PCCC. Theo đó, chung cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn PCCC, thoát nạn...

Đáng tiếc, những cầu thang bộ ở chung cư bị chiếm dụng để làm nơi chứa đồ đạc, những cửa sổ bị cơi nới hoặc bủa vây bằng lồng sắt. Ai cũng tìm kiếm sự thuận lợi riêng cho bản thân mà lãng quên tiện ích chung cho mọi người, bất kỳ sự cố nào đều gây tai ương khủng khiếp.

Bài học từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội thực sự rất đau đớn và nhức nhối. Chung cư mini là khái niệm mơ hồ và không dễ kiểm soát. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường của Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh, cho biết chung cư mini chưa có tên trong bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà chung cư nhưng các công trình này có đầy đủ đặc điểm của nhà chung cư, có cầu thang sử dụng chung, hành lang chung, phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng. Vì vậy, chung cư mini phải được thiết kế an toàn cháy theo quy định của nhà chung cư.

Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Bộ Công an đã có công điện gửi Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cùng công an các địa phương về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC. Bộ Công an nhấn mạnh về công tác xử lý các tình huống cháy, nổ, giảm thiểu thiệt hại người và tài sản, đặc biệt đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ như chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.

Chung cư mini có những đặc thù, khác biệt so với chung cư thông thường, như diện tích xây dựng nhỏ, diện tích hành lang, cầu thang và các căn hộ hẹp, xây dựng theo dạng nhà ống, nằm trong các khu dân cư, bị bao bọc các mặt bởi các công trình xây dựng, nhà dân liền kề, nhiều công trình nằm sâu trong ngõ ngách.

Ngoài ra, công tác quản lý và vận hành chung cư mini không chặt chẽ, không có hệ thống và bài bản như chung cư thông thường… Do đó, chung cư mini rất dễ phát sinh các sự cố cháy nổ, cũng như gây ra nhiều khó khăn rất lớn cho công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn.

Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và xây dựng các quy định, yêu cầu đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ và chữa cháy riêng biệt, phù hợp hơn cho các công trình chung cư mini. Đặc biệt với các công trình nằm trong các khu dân cư, hoặc nằm sâu trong các ngõ, ngách.

Thậm chí, phải từ chối cấp phép xây dựng, đầu tư thực hiện dự án tại các vị trí, hoặc các công trình không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật. Mặt khác, các cơ quan chức năng và lực lượng PCCC cũng cần xây dựng và chuẩn bị các kịch bản, phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phù hợp đối với đặc điểm của các chung cư mini hiện nay.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập cho những người dân đang sinh sống tại các chung cư mini. Cụ thể, có 2 việc đã đến lúc phải làm ngay. Thứ nhất, tạo điều kiện đẩy mạnh sự hình thành những chung cư cho người thu nhập thấp. Thứ hai, nhanh chóng phổ cập kiến thức ứng phó cơ bản để mỗi người dân khỏi hoảng loạn trước mọi tình huống bất trắc.

Với không gian đô thị ngày càng chen chúc, công tác PCCC không thể áp dụng phương án “sai phạm đến đâu, xử lý đến đấy”. Bởi lẽ, tài sản và tính mạng người dân không thể trông cậy vào những giọt nước mắt hối hận muộn màng.

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương cách đây không lâu và vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa xảy ra, đã trực tiếp chứng minh giải pháp phòng cháy chưa đạt được hiệu quả, như yêu cầu tất yếu của một xã hội khao khát phát triển bền vững. Khẩu lệnh quen thuộc của công tác PCCC là “phòng cháy tốt” và “chữa cháy giỏi”.

Thế nhưng, xin lưu ý lời cảnh tỉnh “phòng cháy hơn chữa cháy”. Giải pháp phòng cháy rất quan trọng. Nhất định phải “phòng cháy tốt” và “phòng cháy rất tốt”, để không phải “chữa cháy giỏi” nhiều âu lo.

Gia Quan

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/phong-chay-luon-quan-trong-hon-chua-chay-post108097.html