Phòng, chống bệnh cúm gia cầm: Chú trọng công tác tuyên truyền

Hiện nay, các hộ chăn nuôi đang nhập giống gia cầm về nuôi, chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Do quy mô chăn nuôi và giết mổ gia cầm còn nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư trước bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường nên nguy cơ xuất hiện cúm gia cầm rất lớn. Để kiểm soát dịch bệnh, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi; đồng thời, chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học...

Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. Ảnh: Quỳnh Dung

Bà Phùng Thị Đông ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) cho hay, trang trại của gia đình bà đang nuôi khoảng 5.000 con gà. Để phòng bệnh cho gà, gia đình bà đã chủ động tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, việc chủ động tiêm phòng cho vật nuôi chỉ phổ biến ở những trang trại lớn; những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ thì đa số còn chủ quan. Nếu thời tiết bất thường, môi trường ẩm ướt, vật nuôi chưa được tiêm phòng sẽ dễ phát sinh dịch bệnh...

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn gia cầm của thành phố là 31 triệu con, trong đó, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ nên kéo theo quy mô giết mổ vật nuôi cũng nhỏ lẻ. Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Thành phố có 456 cơ sở, điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ cùng tập quán sử dụng gà tươi ở các chợ truyền thống nên xảy ra tình trạng giết mổ ngay tại chợ, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Từ thực trạng trên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia cầm tại Hà Nội thời gian tới là rất cao. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao; việc lưu chuyển sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tăng mạnh. Vì vậy, nếu các ngành chức năng không kiểm soát chặt chẽ, thị trường gia cầm tiêu thụ tại Hà Nội có thể là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Xuyên Phùng Văn Tảo cho rằng: Người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm, trong đó có vắc xin cúm A/H5N1. Bên cạnh đó, khi nhập giống gia cầm về nuôi, người dân cần tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Khi phát hiện gia cầm có biểu hiện triệu chứng không bình thường như: Bỏ ăn, ủ rũ, chụm lại góc chuồng... người dân cần báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương, kịp thời có giải pháp phòng chống dịch bệnh tại gia đình và khu vực xung quanh. Trường hợp có gia cầm chết phải thực hiện nghiêm việc tiêu hủy, tuyệt đối không được vứt xác gia cầm chết ra môi trường; tiến hành ngay việc xử lý môi trường trong khu vực chăn nuôi để ngăn chặn dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để bảo đảm an toàn dịch bệnh và chăn nuôi hiệu quả bền vững, các địa phương cần khuyến cáo người dân áp dụng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Đối với kinh doanh gia cầm sống tại các chợ, cần thực hiện nghiêm quy định của địa phương theo khu vực theo quy định. Đối với các chợ lớn như: Chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín), chợ Hải Bối (huyện Đông Anh)... cơ quan thú y cần thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, bảo đảm việc dự báo, kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh. Các doanh nghiệp và người chăn nuôi cần phối hợp liên kết xây dựng các lò giết mổ gia cầm tập trung nhằm kiểm soát nguồn gốc và đóng gói sản phẩm bảo đảm chất lượng khi tiêu thụ.

Việc phòng chống bệnh cúm gia cầm là vô cùng cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, nên ngoài sự nỗ lực của người chăn nuôi và các khâu sản xuất, kinh doanh... rất cần có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa của các cấp chính quyền, sự chung tay của cộng đồng. Trong đó, người tiêu dùng cần có lựa chọn sáng suốt vì mục tiêu ngăn chặn hiệu quả cúm gia cầm nói riêng và bệnh dịch nói chung trên địa bàn thành phố.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/944877/phong-chong-benh-cum-gia-cam-chu-trong-cong-tac-tuyen-truyen