Phòng, chống bệnh dại từ vật nuôi
Theo thống kê, huyện Yên Châu có khoảng 13.350 con chó, mèo trong diện phải tiêm phòng. Hiện nay, đang bước vào mùa nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh dại, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn chủ động thực hiện việc phòng, chống bệnh dại và tổ chức tiêm vắc xin cho đàn chó, mèo.
Cuối tháng 12/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhận được tin báo từ xã Chiềng Khoi về việc 1 con chó của hộ gia đình bản Hiêm, có biểu hiện bỏ ăn, hung hăng, cắn chó, mèo và cắn 10 người qua đường. Nghi mắc bệnh dại, đơn vị đã khẩn trương cử cán bộ chuyên môn về địa bàn điều tra dịch bệnh và lấy mẫu gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với virus dại. Đơn vị đã phối hợp với UBND xã khoanh vùng, công bố ổ dịch, khẩn trương truy tìm và tiêu hủy 7 con chó. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống trước và sau phơi nhiễm để nhân dân chủ động phòng bệnh.
Còn tại xã Sặp Vạt, xảy ra trường hợp con bò của hộ ông Lò Văn Kiểm ở bản Nghè, bị 1 con chó hoang cắn từ ngày 16/2/2024, sau gần 1 tháng bị cắn, bò có biểu hiện ủ rũ, bỏ ăn, cứng hàm, sùi bọt mép. Nghi mắc bệnh dại, cán bộ thú y xã đã hướng dẫn gia đình thực hiện cách ly con bò trên để theo dõi. Đến ngày 14/4 con bò bị chết. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm (đầu bò) gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm và phối hợp cùng UBND xã tiến hành tiêu hủy con bò mắc bệnh với trọng lượng 113 kg, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm bò dương tính với virus dại.
Ông Đào Quốc Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Đối với 2 ổ dịch bệnh dại trên đàn vật nuôi tại 2 xã Chiềng Khoi và Sặp Vạt đã được huyện triển khai các giải pháp khống chế, không để bệnh dại lây lan diện rộng. Trong đó, đã tiêm 4.200 liều vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo tại các xã trong vùng dịch và vùng dịch uy hiếp. Tuyên truyền nhân dân không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch. Hiện nay, bệnh dại trên đàn vật nuôi đã được khống chế và không phát sinh thêm trường hợp bệnh dại mới. Tất cả các trường hợp bị chó dại cắn đều không tử vong.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao ý thức cho các hộ dân về công tác phòng, ngừa dịch bệnh cho đàn chó, mèo. Theo kế hoạch, huyện sẽ triển khai tiêm 13.360 liều vắc xin phòng chống dại trên đàn chó, mèo từ tháng 3 đến tháng 6, ngay sau khi có nguồn vắc xin cấp. Theo đó, cơ quan chuyên môn đã triển khai kế hoạch đến các xã, thị trấn trong huyện; tuyên truyền tới nhân dân; kiểm tra, thống kê số lượng đàn chó, mèo và lập danh sách đăng ký tiêm phòng theo quy định. Việc tổ chức tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu, tập trung, dứt điểm từng bản, tiểu khu. Tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu đạt 80% trở lên so với tổng đàn trong diện tiêm, tránh tiêm phòng dàn trải và kéo dài, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Hoàng Văn È, bản Miệt Sai, xã Sặp Vạt, chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên nuôi chó để giữ nhà, chủ yếu là nuôi nhốt. Cán bộ thú y xã về tuyên truyền nên tôi hiểu thêm về sự nguy hiểm của bệnh dại ở chó và lây sang người nếu bị chó dại cắn. Vì thế, hằng năm, gia đình luôn thực hiện tiêm phòng đúng hướng dẫn và quy định của địa phương để đảm bảo an toàn cho gia đình và xã hội.
Ông Lường Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị, người bị chó mang virus dại cắn sẽ ủ bệnh, phát bệnh và tử vong. Do vậy, để phòng, chống dịch bệnh dại từ chó, mèo lây sang người, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn. 3 năm trở lại đây, huyện không ghi nhận ca bệnh nào tử vong do bệnh dại.
Thời tiết nắng nóng nên tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát bệnh dại trên đàn chó, mèo. Do đó, cách đề phòng bệnh dại tốt nhất đó là mỗi hộ nuôi chó, mèo phải tuân thủ nghiêm việc tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi; nuôi nhốt, không thả rông. Khi bị chó cắn phải sơ cứu vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở y tế tiêm phòng vắc xin kháng dại cũng như báo cho chính quyền địa phương biết về sự việc để kịp thời xử lý.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/phong-chong-benh-dai-tu-vat-nuoi-QNx51lYIR.html