Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu

Việc có vắc-xin tiêm phòng đã góp phần giúp việc phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đạt hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêm tiêm vắc - xin chưa được người chăn nuôi quan tâm, đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong đợt tái phát bệnh DTLCP trong thời gian vừa qua.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của người dân tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của người dân tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ ngày 5/4 đến 9/6, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 212 ổ bệnh DTLCP, với 936 hộ chăn nuôi lợn tại địa bàn 74 xã ở 10 huyện, thành phố bị thiệt hại, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 2.828 con, trọng lượng là gần 138,5 tấn.

"Thiệt đơn, thiệt kép" vì bệnh DTLCP

Trở lại xã Vân An, huyện Chi Lăng vào những ngày đầu tháng 6/2024, dù giá lợn xuất chuồng ở thời điểm này từ 68 đến 70 nghìn đồng/kg nhưng phần lớn các hộ chăn nuôi lợn ở Vân An không còn lợn để bán, bởi tổng số lợn bị chết và buộc tiêu hủy do nhiễm bệnh DTLCP từ 25/4 đến nay (tính đến 9/6/2024) là 597 con, chiếm khoảng 80% tổng đàn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Ngọc (thôn Túng Mẩn, xã Vân An) cho biết: “Gia đình có 30 con lợn vào giữa tháng 5/2024 thì phát hiện có con trong đàn bị bệnh, thế là buộc phải tiêu hủy tất cả. Những tưởng sẽ xuất bán được lứa lợn để có tiền trang trải các chi phí trong cuộc sống hằng ngày, thì nay đã mất trắng...”.

Ngoài hộ ông Ngọc, tính đến thời điểm 9/6, trên địa bàn xã Vân An (huyện Chi Lăng) đã có 227 hộ chăn nuôi lợn có lợn bị bệnh DTLCP và buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn đang nuôi.

Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chỉ tính từ ngày 5/4 đến ngày 9/6, trên địa bàn tỉnh đã tái phát, xuất hiện 212 ổ bệnh DTLCP, với 936 hộ chăn nuôi lợn tại địa bàn 74 xã ở 10 huyện, thành phố bị thiệt hại. Trong đó các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Lộc Bình, Chi Lăng là những địa bàn có số lượng hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại nhiều nhất.

Như huyện Lộc Bình, tính đến thời điểm 9/6, trên địa bàn huyện có 8 xã phát sinh ổ bệnh DTLCP, 341 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề do lợn bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy.

“Qua tiêm thử nghiệm hai loại vắc-xin DTLCP do Việt Nam sản xuất (NAVET và AVAC ASFLIVE), thấy rằng, sau 21 - 30 ngày tiêm, những con lợn đã tiêm phòng vắc-xin DTLCP đều khỏe mạnh và phát triển bình thường. Và nếu các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học thì sau khi tiêm phòng vắc-xin DTLCP (sau 21 ngày tiêm), các con lợn được tiêm phòng sẽ đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể cao, đạt trung bình trên 95% với bệnh DTLCP từ 5 - 6 tháng. Người chăn nuôi lợn đặc biệt lưu ý, chỉ thực hiện tiêm phòng vắc-xin DTLCP cho lợn từ 4 tuần tuổi trở lên, và không thực hiện tiêm phòng vắc-xin DTCLP cho lợn đực và lợn nái đang khai thác…”.

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh

Còn ở huyện Văn Quan, mặc dù thời điểm phát hiện ổ bệnh DTLCP đều tiên tại xã Đồng Giáp vào ngày 10/5/2024, nhưng đến ngày 9/6/2024, số ổ bệnh trên địa bàn huyện Văn Quan đã xuất hiện tại 10 xã, 186 hộ chăn nuôi lợn đã buộc phải tiêu hủy lợn bệnh.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho thấy, vào thời điểm đầu tháng 5/2024, tổng đàn lợn toàn tỉnh có hơn 184 nghìn con, nhưng đến thời điểm hiện tại số lượng đàn lợn đã giảm chỉ còn khoảng 175 - 176 nghìn con, trong đó một trong những nguyên nhân tổng đàn lợn giảm là do ảnh hưởng có bệnh DTLCP khiến số lợn bị chết và tiêu hủy ngày một tăng. Đồng thời, do tình hình bệnh dịch nên người chăn nuôi chưa thể tái và tăng đàn lợn. Trong khi đó, giá thịt lợn xuất chuồng trên thị trường vẫn đang tăng từng ngày. Điều này khiến các hộ chăn nuôi lợn “thiệt đơn, thiệt kép”.

Lực lượng chức năng chuẩn bị thực hiện tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng

Lực lượng chức năng chuẩn bị thực hiện tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng

Hiệu quả từ tiêm phòng vắc - xin

Trong đợt tái phát ổ bệnh DTLCP từ ngày 9/5 đến ngày 8/6, tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đã có 57 hộ chăn nuôi lợn có lợn bị bệnh và buộc phải tiêu hủy với số lượng là 157 con, trọng lượng gần 6,1 tấn. Đây là xã có số lợn bị bệnh DTLCP buộc phải tiêu hủy lớn nhất của huyện Lộc Bình. Mặc dù tình hình diễn biến bệnh DTLCP tại xã Thống Nhất khá phức tạp, nhưng có số ít lợn của một số hộ chăn nuôi tại xã vẫn “miễn nhiễm” với bệnh dịch.

Như trường hợp hộ ông Vi Văn Thu ở thôn Hợp Nhất (xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình). Hiện đàn lợn 12 con của gia đình ông Thu vẫn khỏe mạnh, trong khi đó, các hộ chăn nuôi lợn xung quanh nhà ông Thu đều đã bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy.

Theo chia sẻ của ông Thu, vào đầu tháng 4/2024, gia đình mua có nhu cầu tái đàn lợn nên đi mua giống trên 4 tuần tuổi về nuôi. Tại thời điểm này, ông cũng mua một số liều vắc-xin DTLCP về tiêm cho đàn lợn. Có lẽ chính điều này giúp đàn lợn của gia đình ông có kháng thể để kháng bệnh DTLCP trong đợt này.

Anh Vi Văn Hiếu, cán bộ thú y xã Thống Nhất (Lộc Bình) cho biết: “Trong đợt bệnh DTLCP tái phát từ tháng 5/2023 đến tháng 12/2023, số ổ bệnh DTLCP trên địa bàn Thống Nhất hầu như không có bởi trước đó các hộ chăn nuôi đã chủ động mua vắc-xin DTLCP tiêm cho đàn lợn. Nhưng trong đợt chăn nuôi này, các hộ chăn nuôi lợn chưa mua vắc-xin DTCLP tiêm phòng cho đàn lợn nên số lợn bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy tăng mạnh…”.

Cũng như trường hợp của ông Vi Văn Thu (thôn Hợp Nhất, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình), trong đợt bệnh DTLCP tái phát từ tháng 5/2024 đến nay, trên địa bàn xã Vũ Sơn và Tân Lập của huyện Bắc Sơn cũng không phát sinh ổ bệnh mặc dù trên địa bàn huyện Bắc Sơn, bệnh DTLCP đợt này phát sinh trên địa bàn 5 xã. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay từ tháng 3/2024, khi thực hiện tái đàn lợn, người chăn nuôi tại xã Vũ Sơn và xã Tân Lập đều mua vắc-xin tiêm phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp đàn lợn của 2 xã này đến thời điểm hiện tại vẫn “miễn nhiễm” với bệnh DTLCP.

Những tác dụng phòng bệnh DTLCP khi lợn được tiêm phòng vắc-xin DTLCP đã thấy rõ qua những trường hợp thực tế. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin DTLCP cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 0,01% so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ các chủ hộ chăn nuôi lợn, hiện giá vắc-xin DTLCP bán trên thị trường là 69 nghìn đồng/liều (loại tiêm 1 liều cho 6 tháng) và 34 nghìn đồng/liều (loại tiêm 2 liều). Giá như vậy theo người chăn nuôi là cao, vì thế người chăn nuôi chưa mua vắc-xin DTLCP để tiêm phòng cho đàn lợn.

Từ tình hình thực tế cho thấy, do sự chủ quan, cùng với với suy nghĩ “mua vắc-xin sẽ tăng chi phí chăn nuôi” đã khiến các hộ chăn nuôi “thiệt đơn, thiệt kép” trong đợt bệnh DTLCP bùng phát lần này.

Bà Chu Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: “Nếu so sánh việc có thể bị “mất trắng” một con lợn 80 – 100kg với việc bỏ ra chỉ 69 nghìn đồng thì chi phí tiêm phòng vắc-xin DTLCP không cao và rất xứng đáng để tiêm. Hiện nay cơ quan chuyên môn đang vẫn tiếp tục hỗ trợ, không lấy tiền công tiêm cho các chủ chăn nuôi…”.

Về vấn đề này, ông Dương Doãn Doanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Với việc đã có vắc-xin phòng bệnh DTLCP thì việc tiêm phòng là một trong các biện pháp phòng bệnh DTLCP rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện".

Thực tế, việc mua vắc-xin phòng bệnh DTLCP tiêm phòng cho đàn lợn sẽ khiến chi phí chăn nuôi tăng nhưng nếu không tiêm phòng, người chăn nuôi sẽ mất trắng nếu đàn lợn của gia đình bị nhiễm bệnh. Trước “thiệt hại lớn” như vậy, người chăn nuôi lợn nên chủ động mua vắc-xin DTLCP để tiêm phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn của mình.

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-tiem-phong-la-bien-phap-huu-hieu-5011389.html