Phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người: Cần sự phối hợp liên ngành
Ngày 27-3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến liên ngành toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
75% dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật
Theo thông tin của Bộ Y tế, 75% dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như: Cúm A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng… Bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam.
Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Năm 2023, có 30/63 tỉnh, thành ghi nhận có ca bệnh dại ở người, 82 ca tử vong. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, có 16 tỉnh, thành ghi nhận có ca bệnh dại, 27 ca tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tăng đột biến và cao nhất nước với 9 ca. “100% số ca tử vong bệnh dại do không tiêm vắc xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Hàng năm, cả nước tiêu tốn khoảng 800 tỷ đồng chỉ dành riêng cho việc tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người”, ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết.
Về dịch cúm A/H5N1, Việt Nam có ca mắc đầu tiên trên người vào năm 2003. Đến nay, cả nước ghi nhận 129 ca bệnh, có 65 ca tử vong; 3 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 1 ca tử vong tại Khánh Hòa.
Nhiều khó khăn và thách thức
Theo ông Hoàng Minh Đức, hiện nay, dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành Y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Tuy nhiên, ở một số địa phương, sự phối hợp liên ngành còn hạn chế, không đồng bộ, dẫn tới công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người đạt hiệu quả chưa cao. Chương trình phòng, chống dại của Bộ Y tế được cấp 2 tỷ đồng/năm cho tất cả các hoạt động, do đó chủ yếu tập trung vào công tác giám sát, chưa triển khai được nhiều cho các hoạt động khác.
Theo nhiều địa phương, do thiếu ngân sách và nhân lực nên công tác truyền thông các bệnh lây truyền từ động vật sang người còn hạn chế; nhận thức của người dân về sự nguy hiểm và các giải pháp phòng, chống bệnh dại chưa cao, dẫn đến chủ quan, lơ là trong điều trị sau khi bị chó, mèo cắn. Cơ sở vật chất hệ y tế dự phòng, y tế cơ sở thiếu thốn; nhân lực phòng, chống dịch các tuyến mỏng và yếu, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi. Giá vắc xin dại tương đối cao (1,2 - 1,5 triệu đồng/liệu trình) nên người nghèo gặp khó trong việc chi trả tiêm phòng.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, công tác quản lý đàn chó, mèo ở nhiều địa phương còn hạn chế, vẫn để xảy ra tình trạng thả rông dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp, dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Thời gian qua, ngành Y tế và ngành Thú y đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng chủ trì khung đối tác "Một sức khỏe", phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược quốc gia về "Một sức khỏe" từ năm 2016 đến nay, tập trung vào phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trung bình cả nước năm 2023 đạt 58% tổng đàn chó, mèo. Từ đầu năm đến nay, có 554.000 con chó, mèo được tiêm phòng, đạt trung bình 30%. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, với nguồn bệnh lây truyền từ động vật nên việc kiểm soát nguồn lây rất khó khăn. Vì thế, không thể dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y, mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên. Đồng thời, cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
Tại hội nghị, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Vì thế, 2 bộ kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai phòng, chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó cần quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn...
Tại Khánh Hòa, trong tháng 3 ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh cúm A/H5N1 trên người và là ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh từ năm 2014. Giữa tháng 2, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở 2 hộ chăn nuôi gà tại xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh; các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy các đàn gà nói trên với 961 con, từ đó đến nay không phát sinh ổ dịch mới. Hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện người mắc và tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, theo số liệu từ 27 điểm tiêm dịch vụ trên toàn tỉnh, có 1.302 người tới tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại do súc vật cắn.
Theo số liệu từ Cục Thú y, năm 2023, cả nước ghi nhận 21 ổ dịch gia cầm cúm A/H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 40 ngàn con gia cầm; 3 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 6 ổ dịch tại 6 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm. Về bệnh dại, năm 2023, cả nước ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành; 3 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành với 86 con chó, mèo mắc bệnh, số chó, mèo chết và tiêu hủy là 192 con.
C.ĐAN