Phòng chống bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ
Tiêu chảy là một trong hai bệnh phổ biến nhất ảnh hưởng đến trẻ em trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hằng năm tỉ lệ tiêu chảy cấp do virus Rota chiếm từ 44-62% tổng số trẻ em bị tiêu chảy nhập viện. Hiện nay, y học chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chống lại virus Rota, mà chỉ phòng bệnh đặc hiệu nhờ vắc xin. Vắc xin Rota sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời.
Bệnh thường gặp ở trẻ em
Bệnh tiêu chảy cấp có các biểu hiện như nôn và tiêu chảy, có thể sốt. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy, trẻ có thể đi ngoài nhiều, từ 15-20 lần/ngày (phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có nhầy nhưng không có máu). Việc nôn và tiêu chảy nhiều lần làm trẻ dễ bị mất nước, rối loạn điện giải nhanh chóng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng đến thể trạng như suy dinh dưỡng và một số biểu hiện khác.
Virus Rota lây truyền qua đường phân - miệng, qua hô hấp và qua tiếp xúc giữa người và các vật dụng, bề mặt bị nhiễm virus. Virus Rota đi vào cơ thể người lành sẽ nhân lên ở tá tràng, phá hủy hệ thống niêm mạc dạ dày và ruột, gây nên tình trạng tiêu chảy. Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trẻ càng nhỏ càng có nguy cơ nhiễm bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 12 tháng.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota. Vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống tiêu chảy cấp nặng do virus này. Vắc xin Rota đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Phú Yên từ tháng 1/2025 và hoàn toàn miễn phí.
Vắc xin Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin Rotavin được sử dụng để phòng chống tiêu chảy cấp do virus Rota. Rotavin là vắc xin sống, giảm độc lực do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) sản xuất trên tế bào Vero. Vắc xin có dạng dung dịch trong suốt, màu vàng và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Có thể sử dụng vắc xin Rotavin cùng lúc với các vắc xin khác như vắc xin bại liệt (OPV, IPV), vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib, DPT-VGB-Hib - IPV, vắc xin viêm gan B, vắc xin Hib… mà không ảnh hưởng đến độ an toàn và hiệu lực của các loại vắc xin.
Trẻ được uống 2 liều vắc xin Rotavin; liều 1 lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi và liều 2 sau liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Sử dụng cùng loại vắc xin của cùng một nhà sản xuất cho cùng một trẻ. Cần hoàn thành lịch uống vắc xin trước 6 tháng tuổi. Do vậy, nếu trẻ hoãn tiêm chủng, chưa uống đủ liều vắc xin Rota, cần tổ chức uống vét ngay trong tháng để trẻ không mất cơ hội tiếp cận do giới hạn tuổi chỉ định vắc xin Rota.
Vắc xin Rotavin trong chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai đồng loạt từ tháng 1/2025 tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu trẻ em dưới 1 tuổi được uống 2 liều vắc xin Rota trong tiêm chủng thường xuyên năm 2025 đạt tỉ lệ ≥ 92%; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng. Vắc xin Rota được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên, cùng với ngày triển khai tiêm chủng hằng tháng của các địa phương. Trong tháng đầu tiên triển khai, chỉ triển khai liều 1 vắc xin Rota cho trẻ đủ 2 tháng tuổi.
Vắc xin Rota rất hiệu quả trong phòng bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, vắc xin có hiệu quả cao: từ 85-98% trong việc ngăn ngừa bệnh tiêu chảy nặng do virus Rota và đạt hiệu quả từ 74-87% trong việc ngăn ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota ở bất kỳ mức độ nào trong năm đầu tiên sau khi uống. Vắc xin giúp giảm đến 96% số trẻ phải nhập viện vì bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota.
Bên cạnh biện pháp phòng bệnh đặc hiệu là cho trẻ uống vắc xin Rota, cần thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota ở trẻ em, như: tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ; đảm bảo vệ sinh ăn uống: luôn đảm bảo trẻ uống nước lọc đã đun sôi/nước tinh khiết; hạn chế nước trái cây và thức uống có đường trong thực đơn của trẻ; bảo quản/rã đông thực phẩm đúng cách, ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập; tránh cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, nếu không thật sự cần thiết; đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, ngăn ngừa lây nhiễm bằng cách thường xuyên rửa tay trẻ bằng xà phòng hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay; không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn trớ; vệ sinh môi trường, giữ các bề mặt trong phòng tắm, phòng khách (như bồn rửa mặt, tay nắm cửa, bàn ghế, giường tủ…) sạch sẽ.
ThS.BS NGUYỄN THỊ THẮNG
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/324882/phong-chong-benh-tieu-chay-cap-cho-tre.html