Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Chỉ sức mạnh nội lực là chưa đủ

Sự gia tăng hoạt động buôn lậu thuốc lá tại các nước ASEAN cho thấy cần có sự liên minh giữa các quốc gia.

Buôn lậu thuốc lá hiện đang trở thành "hoạt động kinh doanh" có tổ chức. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đang trở thành nhu cầu được tìm kiếm rộng rãi của người dùng, tại các quốc gia không có sản phẩm hợp pháp công tác phòng chống buôn lậu càng chồng chất nhiều thách thức. Thực trạng này hiện đang được ghi nhận tại Úc, Singapore, Thái Lan, Campuchia và các quốc gia áp dụng lệnh cấm khác.

Vị trí địa lý là một trong những thách thức trong phòng chống buôn lậu

Tại tọa đàm "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" trong tháng 4 vừa qua, Trung tá Nguyễn Minh Tiến – Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Tp.Hà Nội nhận định, đường biên giới đất liền và đường bờ biển dài của Việt Nam tiếp giáp ba quốc gia Lào, Campuchia và Trung Quốc, tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu triển khai nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa trái phép.

Đối với thuốc lá điếu, Campuchia được xem là "cái nôi" của thị trường chợ đen. Có khoảng 18,5% thuốc lá hiện diện tại nước này là các sản phẩm lậu, gây thất thu thuế khoảng 10 triệu USD mỗi năm.

Campuchia vừa là điểm xuất phát, điểm đến, đồng thời là trung tâm trung chuyển chủ chốt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vai trò này càng được củng cố bởi hệ thống biên giới rộng mở với Việt Nam, Thái Lan và Lào, cùng đường bờ biển dài giáp Vịnh Thái Lan.

Thuốc lá bất hợp pháp thường được vận chuyển từ Indonesia vào Campuchia. Theo thống kê, Indonesia đã xuất khẩu lượng thuốc lá "trắng" trái phép (các loại thuốc lá sản xuất hợp pháp ở một quốc gia nhưng được buôn lậu sang quốc gia khác) trị giá 71.286.528 USD, với tỷ lệ đưa vào Campuchia đến 44%.

Từ đây, thuốc lá điếu tiếp tục được buôn lậu với quy mô lớn sang Việt Nam, Malaysia, Philippines, Thái Lan và thậm chí đến cả Ấn Độ. Riêng tại Việt Nam, khoảng 90% lượng thuốc lá lậu từ Campuchia đã xâm nhập thông qua các cửa khẩu biên giới.

Trong khi đó, hoạt động buôn lậu thuốc lá mới cũng có nhiều diễn biến phức tạp hơn khi Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc – "thủ phủ" của thuốc lá điện tử (TLĐT) và là nơi cung cấp các sản phẩm phi pháp trên toàn cầu.

Hiện nay, các sản phẩm TLĐT có hình dạng thỏi son, USB, hộp sữa và nhiều hình ảnh hoạt hình bắt mắt khác đều bắt nguồn từ Trung Quốc với nhiều loại giá cả khác nhau. Bên trong đó là các loại tinh dầu không xác định được.

Sự phức tạp hóa về địa hình giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á là nút thắt lớn trong nhiều năm nay dẫn đến tính hiệu quả trong việc phòng chống buôn lậu.

Cần tăng cường hợp tác toàn khu vực trong phòng chống buôn lậu

Trong một hội thảo liên quan đến phòng chống buôn lậu trong khu vực ASEAN hồi tháng 2, bà Liyana Othman, Giám đốc Vận động chiến dịch cấp cao, Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN đưa bốn khuyến nghị.

Theo bà Liyana, trước hết cần quốc gia cần phải đàm phán với nhau và cải thiện mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới. Thứ hai là hợp lý hóa các chính sách thuế và quy định quản lý vì việc tăng thuế quá cao cùng các quy định quá hà khắc có thể tiếp tay thúc đẩy hoạt động buôn lậu thuốc lá trái phép khi các sản phẩm hợp pháp có giá thành quá đắt đỏ.

Các chính phủ trong ASEAN cần phải đảm bảo áp dụng một chính sách thuế hài hòa, đánh giá khả năng chi trả trong việc đưa ra quyết định và cân nhắc nguy cơ của thị trường để ngăn gián đoạn thị trường.

Đã có nhiều vụ nổ súng, bom xăng, tấn công các hàng thuốc lá điện tử giữa các nhóm tội phạm buôn lậu tại Úc năm 2024. (Ảnh: Dailymail.co.uk)

Đã có nhiều vụ nổ súng, bom xăng, tấn công các hàng thuốc lá điện tử giữa các nhóm tội phạm buôn lậu tại Úc năm 2024. (Ảnh: Dailymail.co.uk)

Trụ cột tiếp theo là tăng tính răn đe trong xử lý tội phạm. Theo đó, các khung hình phạt tối thiểu ở mức hình sự bao gồm cả thi hành án phạt tù giữa các quốc gia cần được chuẩn hóa.

Cuối cùng đó là cải thiện an ninh mạng. Chẳng hạn như một số giải pháp trên nền tảng kỹ thuật số, bao gồm các cơ chế theo dõi hành trình nộp thuế và theo vết nhập cảnh. Bà Liyana khuyến nghị các giải pháp này nên được áp dụng trên toàn khối ASEAN để cải thiện khả năng theo dõi và giám sát chuỗi cung ứng, ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá lậu xâm nhập vào thị trường.

Trong nước, trong tọa đàm vào tháng 4, ông Nguyễn Đức Lê - đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, số vụ buôn lậu thuốc lá mới tại Việt Nam đã vượt trội so với thuốc lá truyền thống.

Các chuyên gia khẳng định, vấn đề nhu cầu hiện hữu của người dùng là một thách thức. Vì nếu không có cầu sẽ không có cung, tội phạm buôn lậu sẽ không liều lĩnh cả tính mạng để vận chuyển hàng vượt biên giới bằng các đường mòn, lối mở.

Từ góc độ kinh tế, ông Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Chính sách (VERP) khẳng định, siết chặt nguồn cung trong nước không đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu, mà có thể khiến người dùng chuyển hướng sang thị trường chợ đen.

Không chỉ có Việt Nam đang phải chật vật trong cuộc chiến chống buôn lậu, mà tại các quốc gia cấm thuốc lá mới đi trước như Úc, Singapore, Thái Lan… trong suốt nhiều năm qua dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng tình trạng buôn lậu ngày càng trở nên căng thẳng.

Điển hình, dù đã áp dụng lệnh cấm và tăng thuế TLĐT, tỷ lệ người từ 14 tuổi trở lên sử dụng TLĐT tại Úc đã tăng gấp đôi trong từ 2019 - 2022/2023, theo khảo sát trong Chiến lược Quốc gia về Ma túy.

Ngược lại, Mỹ đã triển khai chiến lược kiểm soát toàn diện, kết hợp giữa biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, đồng thời bảo hộ hoạt động kinh doanh thuốc lá mới trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dùng. Theo đó, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu FDA đẩy nhanh quy trình cấp phép kinh doanh cho sản phẩm thuốc lá mới của doanh nghiệp trong nước và tập trung vào hậu kiểm.

Buôn lậu thuốc lá không chỉ gây tổn thất ngân sách quốc gia, mà quan trọng hơn là lợi nhuận từ buôn lậu sẽ được sử dụng vào các hoạt động phi pháp nghiêm trọng hơn như buôn bán vũ khí, buôn người, rửa tiền, v.v. Do vậy, việc phòng chống buôn lậu cần được nâng lên tầm khu vực, cũng như cân nhắc nhu cầu hợp pháp của người dùng trong chiến lược kiểm soát thuốc lá trong nước và quốc tế.

Thu Hà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phong-chong-buon-lau-thuoc-la-chi-suc-manh-noi-luc-la-chua-du-204250430103702577.htm