Phòng chống cháy nổ không thể theo kiểu 'dột đâu che đấy'
Nếu phòng chống cháy nổ theo kiểu 'dột đâu che đấy' thì không thể tránh được những thảm họa tang thương, vì vậy, cần phải có giải pháp vừa mang tính bao quát, đồng bộ vừa phải rất cụ thể.
Các vụ cháy nổ
Dư luận cả nước vô cùng bàng hoàng khi nhận hung tin vụ hỏa hoạn ở chung cư mini ở quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã cướp đi mạng sống của 56 con người; mấy chục người bị ngạt khói, bỏng, chấn thương đang phải điều trị ở các bệnh viện, trong đó nhiều nạn nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Rất đáng lo ngại khi mấy năm gần đây, thảm họa cháy nổ ngày càng tăng, chưa kể nhiều vụ cháy nổ các nhà xưởng, kho bãi ở các khu công nghiệp, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Từ năm 2018 đến nay có hàng loạt vụ cháy nổ rất đáng nhắc lại. Đó là vụ cháy chung cư Carina Plaza ngày 23/3/2018, làm 13 người tử vong; cháy quán karaoke Số nhà 231, phố Quan Hoa, phường Quan Hoa tháng 8/2022, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; cháy quán karaoke ở Bình Dương ngày 6/9/2022, làm 33 người tử vong; cháy nhà Số 24, đường Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông ngày 13/5/2023, làm 4 người tử vong, 1 người bị thương; vụ cháy ở ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, TP. Hà Nội ngày 8/7/2023, làm 3 người tử vong ...
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023), tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%).
Bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng ban Công tác ĐBQH đánh giá “... dù cơ quan chức năng đã ban hành rất nhiều chủ trương, biện pháp về phòng chống cháy nổ nhưng kết quả chưa tương xứng với giải pháp. Thậm chí có thời điểm các vụ cháy xảy ra liên tiếp, tạo nên dư luận cơ quan chức năng càng chỉ đạo, càng nêu nhiều thì cháy càng nhiều.”
Thử tìm nguyên nhân
Phải khẳng định, nguyên nhân trực tiếp để xảy ra các vụ cháy nổ trước hết do chủ quan, bất cẩn không thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống cháy nổ của gia chủ, chủ các doanh nghiệp; của những tập thể, cá nhân thực thi nhiệm vụ quản lý các khu chung cư, kho bãi...
Nhưng nguyên nhân cơ bản sâu xa của thảm họa cháy nổ là do thiếu tầm nhìn và sự “dễ dãi” của các cơ cơ quan, các cấp chính quyền được đảm trách chức năng phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế; cấp phép xây dựng, kiểm tra giám sát quá trình thi công công trình, cấp phép công trình được đưa vào sử dụng; chấp hành quy định về phòng chống cháy nổ ... Nguyên nhân này là buông lỏng quản lý.
Đằng sau sự buông lỏng đó là vấn nạn “tiếp tay”. Người dân nào xây dựng ngôi nhà, bất kể to hay bé thì sau khi khởi công đều có đại diện của các cơ quan chức năng đến căn vặn. Trong quá trình thi công, chưa nói chuyện vượt số tầng theo quy định, mà chỉ cần đua ban công hoặc đổ ô văng vượt khỏi chỉ giới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là họ yêu cầu đình chỉ thi công.
Nhưng, sau các cuộc thương thảo kín giữa gia chủ và người đại diện của cơ quan công quyền, công trình lại tiếp tục được thi công, kể cả những hạng mục sai quy định. Chỉ có điều, tùy theo lỗi phạm, thân chủ phải có khoản “phụ phí” tương xứng.
Người dân xây dựng những căn hộ nhỏ bé trong các ngõ ngách mà còn như vậy. Thử hỏi vấn nạn phá vỡ, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế, tăng mật độ xây dựng, thậm chí điều chỉnh cả giấy phép xây dựng để tăng tầng ... đối với các khu đô thị, các tòa nhà chung cư liệu có xảy ra phổ biến trong suốt mấy chục năm vừa qua không?
Nhiều trường hợp đã băm nát lĩnh vực xây dựng đô thị. Hậu quả, không chỉ làm cho mỹ quan đô thị trở nên xấu xí, môi trường sống bị xâm hại, giao thông bị ùn tắc ... mà đó còn là nguyên nhân cơ bản, sâu xa dẫn đến các thảm họa cháy nổ, gây hậu quả kinh hoàng về người và tài sản.
Vì vậy, khi lĩnh vực xây dựng ở các đô thị còn bị thao túng, từ buông lỏng quản lý đến tiếp tay thông đồng, thì tình trạng xây dựng các khu chung cư, xây nhà ở của người dân còn tùy tiện.
Giải pháp ngăn chặn thảm họa cháy nổ
Trong nhiều năm qua, mỗi khi có sự cố chết người nghiêm trọng, những người đứng đầu chính quyền địa phương và các cấp các ngành lại ban hành chỉ thị, công văn yêu cầu kiểm tra rà soát, tiếp đến là những đợt ồ ạt ra quân kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến các sự cố đó. Nhưng, do những giải pháp này chỉ mang tính tình thế.
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra ồ ạt, đi cùng với nó là làn sóng di dân từ nông thôn về thành thị làm cho nhu cầu nhà ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tăng đột biến. Với bối cảnh công tác quản lý xây dựng đô thị không nghiêm minh như hiện nay, nếu phòng chống cháy nổ theo kiểu dột đâu che đấy thì không thể tránh được những thảm họa tang thương. Vì vậy, để tránh hậu quả do thần lửa gây ra cần phải có giải pháp vừa mang tính bao quát, đồng bộ vừa phải rất chi tiết, cụ thể.
Thứ nhất: Rà soát lại việc chấp hành quy hoạch đô thị. Trên cơ sở đó truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm minh tất cả những cán bộ, công chức liên quan tới việc điều chỉnh, sửa đổi quy hoạch xây dựng; dung túng, làm ngơ cho tình trạng xây dựng các công trình không có giấy phép hoặc không đúng với gấy phép xây dựng. Đây là giải pháp cơ bản, cốt lõi để vừa lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng đô thị vừa đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống cháy nổ.
Thứ hai: Sau các vụ hỏa hoạn, không chỉ trừng phạt các chủ đầu tư và những người liên quan trực tiếp đến các vụ hỏa hoạn mà phải truy cứu trách nhiệm, truy cứu hình sự những cán bộ, công chức liên quan đến những sai phạm trong cấp phép xây dựng; trong thiết kế hoặc điều chính thiết kế công trình, dẫn đến không đảm bảo các yêu cầu về thoát nạn, cứu nạn cứu hộ; không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng công chức, viên chức buông lỏng quản lý trong công tác xây dựng; trong phòng cháy chữa cháy là do từ trước tới nay những người sai phạm chưa bị xử lý nghiêm minh.
Thứ ba: Cần rà soát lại việc thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để khắc phục tình trạng trục lợi trong trong đầu tư, mua bán nhà dành cho người có thu nhập thấp; chậm cấp phép hoặc cấp phép không hợp lý về vị trí xây dựng các công trình nhà ở xã hội; chất lượng công trình thấp, trong khi đó giá cả vượt quá khả năng chi trả đối với tầng lớp có thu nhập thấp.
Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng nhà ở xã hội được bán không đúng đối tượng.
Trong một thống kê gần đây, có tới 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì bỏ đi, chỉ còn 20% ở lại. Còn theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết ở TP HCM, có tới 85 trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội có dấu hiệu đã chuyển đổi chủ sở hữu; 64 trường hợp người được mua, thuê có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội.
Ở Hà Nội, với 2 dự án được kiểm toán chi tiết có tới 122 khách hàng mua, 16 khách hàng thuê nhà ở xã hội nhưng sử dụng không đúng mục đích… Trước đó, qua hoạt động kiểm tra liên quan việc quản lý, sử dụng nhà chung cư tại nhiều tỉnh, thành, vô số trường hợp nhà ở xã hội sử dụng sai đối tượng bị phát hiện.
Thực trạng trên đây dẫn sự trớ trêu, người đã có nhà vẫn lợi dụng chính sách nhà ở xã hội để trục lợi làm giàu, trong khi người nghèo không thể được hưởng chính sách nhân văn của Nhà nước, buộc họ phải tìm đến các chung cư mini, các khu nhà trọ xập xệ không đảm bảo quy cách xây dựng, phòng chống cháy nổ. Sự bất công đó đã dẫn đến một bộ phận người nghèo phải trả giá hết sức tang thương. Thảm họa vừa xảy ra ở chung cư mini trên phố Khương Hạ, phường Khương Đình là ví dụ điển hình.
Thứ tư: Công tác tuyên truyền về phòng chống cháy nổ, trang bị kỹ năng thoát hiểm cho người dân khi gặp hỏa hoạn cần phải thường xuyên, chú trọng tính thực chất và hiệu quả.
Mặ khác, nên chăng cần có biện pháp bắt buộc người dân sinh sống ở các tòa chung cư, các căn hộ liền kề nhiều tầng phải sắm các phương tiện cứu hộ, thoát nạn như bình chữa cháy, thang dây ... Trường hợp 7 người thoát nạn an toàn nhờ chiếc thang dây trị giá chỉ 850 nghìn đồng trong vụ cháy chung cư ở phố Khương Hạ cho thấy vai trò mang tính sống còn khi người dân chủ động trang bị kiến thức và phương tiện thoát nạn đề phòng khi xảy ra cháy nổ.
Tóm lại, phòng chống cháy nổ chỉ đạt đạt hiệu quả khi lãnh đạo các cấp các ngành quyết liệt thực hiện các giải pháp vừa mang tính bao quát, đồng bộ vừa phải rất chi tiết, cụ thể; người dân không ngừng nâng cao ý thức, năng lực phòng chống cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn.