Phòng chống cháy rừng giữa cao điểm mùa khô
Tỉnh Đắk Lắk có 507.409,2 ha đất có rừng (rừng tự nhiên 410.360,1 ha; rừng trồng 97.049,1 ha) trong giai đoạn cao điểm của mùa khô 2025.
Rừng nhiều địa phương như huyện Krông Bông, Ea Kar, Lắk… đặc biệt là hệ thống rừng khộp ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp được xác định có nguy cơ cháy rừng cao. Do đó, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng trên địa bàn đang tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong cao điểm mùa khô.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cùng người dân tạo đường băng cản lửa nhằm phòng cháy trên diện tích rừng trồng tại huyện Krông Bông. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Nâng cao nhận thức người dân sống gần rừng
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông được giao quản lý, bảo vệ hơn 24.450 ha rừng và đất rừng, giáp ranh với các huyện: Ea Kar, M'Drắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa). Địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, vực sâu… nên việc phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được chú trọng, nhất là trong cao điểm mùa khô, nhiều hộ dân đốt dọn nương rẫy nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng tăng cao.
Theo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, diện tích rừng của đơn vị nằm trải dài, tiếp giáp với nhiều huyện và giáp ranh với nhiều nương rẫy nên khi xảy ra cháy rừng rất khó khăn trong việc ngăn chặn ngọn lửa cháy lan, cháy táp. Do đó, hằng năm đơn vị tập trung các nguồn lực tổ chức phòng cháy, không để xảy ra cháy gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Từ đầu mùa khô đến nay, công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, như: sửa chữa, bổ sung các biển báo, biển cấm tuyên truyền bảo vệ rừng; dựng chòi canh lửa ở các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng; làm đường băng cản lửa; xử lý cục bộ vật liệu cháy… Đặc biệt, hiện công ty có hơn 1.600 ha rừng trồng, gần với khu vực nương, rẫy của người dân, do đó đơn vị thường xuyên thực hiện gom đốt xử lý vật liệu dễ cháy, thực bì ở các khu vực có địa hình chia cắt đồi dốc co, bao quanh có nguy cơ xảy ra cháy cao và khi xảy ra cháy khả năng ứng cứu rất khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết trong những năm gần đây và năm nay dự báo mùa khô có thể kéo dài, phía công ty luôn duy trì, tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất sẵn sàng “4 tại chỗ” với nhân lực tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ… để ứng phó trong tình huống xảy ra cháy rừng.
Đặc biệt, công ty phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống gần rừng, nhất là trong khoảng tháng 4-5 hằng năm, người dân thường xuyên đốt dọn nương rẫy; khuyến cáo người dân cần đốt dọn rẫy có kiểm soát, nên đốt nhỏ lẻ vào sáng sớm… tránh đốt vào thời điểm nắng nóng, gió lớn… mất kiểm soát.
Bên cạnh đó, công ty cũng thuê một bộ phận người dân sống gần rừng tham gia đốt, dọn thực bì phòng cháy rừng kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân.
Chị Sùng Thị Hoa, thôn Noh Prông, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết: Vào mùa khô hằng năm bản tôi thương xuyên cùng bà con trong thôn cùng với nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông tham gia phát dọn thực bì, đốt dọn vật liệu dễ cháy, việc này không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập mà còn nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng.

Người dân huyện Krông Bông phát dọn cành khô rừng trồng nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây cháy rừng trong mùa khô. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Trong quá trình lao động, được lực lượng của công ty hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng, bản thân chị cũng truyền lại cho bà con trong thôn để cùng nhau giữ rừng. Đặc biệt, quá trình sinh sống gần rừng nếu phát hiện có cháy rừng hoặc nguy cơ xảy ra cháy sẽ báo ngay cho chủ rừng và cùng tham gia chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Thế Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết: Đặc thù lâm phần của công ty rộng, địa hình hiểm trở, tiếp giáp với nhiều khu dân cư, nương rẫy của người dân nên việc nâng cao kỹ năng, ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân sống gần rừng là rất quan trọng. Do đó, kiến nghị chính quyền các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền đến người dân nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, nhất là trong thời gian cao điểm mùa khô hiện nay.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có nhiều huyện có nguy cơ cháy cao như Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo và nguy cơ cháy rất cao tại huyện M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Búk... Do đó, lượng lượng kiểm lâm luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ rừng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.
Vườn Quốc gia Yok Đôn (địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp) có diện tích hơn 115.500 ha, là nơi có hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam (rụng lá vào mùa khô). Tại đây, hệ thống động vật, thực vật phong phú, đa dạng, có lớp thực bì và vật liệu cháy rất dày. Do đó, thời tiết nắng nóng và hanh khô trong mùa khô luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Theo ông Phan Thanh Hòa, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, đặc thù rừng khộp trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt vào mùa khô khiến Vườn Quốc gia Yok Đôn đứng trước nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Để chủ động bảo vệ rừng, ngay từ đầu mùa khô, vườn đã xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt, phân công lực lượng trực 24/24 giờ, tổ chức đốt non thực bì có kiểm soát, thường xuyên xử lý vật liệu cháy… Từ đó, tạo thành những khoảnh rừng “da báo” để hạn chế nguy cơ cháy rừng và hình thành những đám cháy lớn trong rừng.
Hiện có khoảng 2.769 hộ dân sinh sống gần Vườn Quốc gia Yok Đôn, thuộc 17 thôn, buôn vùng đệm, trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Đơn vị thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống cháy rừng để nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và nhân dân sống gần rừng; tổ chức các đợt tuyên truyền cho nhân dân vùng đệm nhằm nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không mang nguồn lửa vào rừng và sẵn sàng tham gia chữa cháy khi xảy ra tình huống cháy rừng". Ông Phan Thanh Hòa cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, đơn vị đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị chủ rừng và các cơ quan chức năng thực hiện phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao.

Diện tích rừng khộp (rụng lá vào mùa khô) trên địa bàn huyện Buôn Đôn và Ea Súp dễ xảy ra cháy vào mùa khô nên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được đề cao. Ảnh: TTXVN phát
Các đơn vị chủ rừng căn cứ tình hình thực tế địa bàn quản lý để xây dựng và triển khai nghiêm kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng; phương châm lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng; trong trường hợp xảy ra cháy rừng phải kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, ông Nguyễn Quốc Hưng cho hay.
Trong mùa khô 2024 do thời tiết nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy rừng, với diện tích thiệt hại 4,47 ha, nguyên nhân do người dân đốt rác, đốt nương làm rẫy mất kiểm soát gây cháy lan. Trong quý I/2025, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.