Phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng

Hiện nay, khu vực các tỉnh Nam bộ, trong đó có Tiền Giang đã bước vào mùa khô. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2020, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường.

Lực lượng Dân phòng xã Thạnh Tân thực tập phương án chữa cháy tại chỗ (ảnh chụp đầu năm 2020).

Lực lượng Dân phòng xã Thạnh Tân thực tập phương án chữa cháy tại chỗ (ảnh chụp đầu năm 2020).

Tại địa bàn tỉnh Tiền Giang, tình trạng hạn, mặn diễn ra khốc liệt. Số liệu được các cơ quan chức năng đánh giá: “Về lượng mưa, khu vực Nam bộ có tổng lượng mưa thấp hơn từ 10% - 25% so với trung bình nhiều năm và kết thúc sớm trong năm 2019”. Điều này dẫn đến tình trạng khô hạn diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Hiện nay, các tỉnh Nam bộ cảnh báo cháy rừng ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm).

Đối với tỉnh Tiền Giang, diện tích đất có rừng là 2.611 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng trong quy hoạch phát triển rừng là 1.968 ha, diện tích đất có rừng ngoài quy hoạch phát triển rừng là 643 ha. Diện tích rừng được phân bố trên địa bàn các huyện: Tân Phước, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, do Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, hộ gia đình, cá nhân, lực lượng vũ trang, UBND xã và tổ chức khác quản lý.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng BCH PCCCR huyện Tân Phước Huỳnh Văn Bườn cho biết: Đầu mùa khô, BCH PCCCR huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh, Phòng Lâm nghiệp, Sở NN-PTNT tổ chức các đợt kiểm tra công tác PCCCR ở 5 xã có diện tích rừng lớn và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, BCH PCCCR của các xã đều đề cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị nghiêm túc và luôn trong tư thế sẵn sàng.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền và vận động nhân dân trồng hoa màu, lúa, khoai mỡ và những hộ thu hoạch tràm không được đốt đồng trong mùa khô chưa thực hiện tốt, vẫn còn để xảy ra một số trường hợp đốt đồng. Thời gian tới, lực lượng chức năng cấp huyện và cấp xã tăng cường tuần tra, kiểm tra và rà soát những khu vực trọng yếu dễ xảy ra cháy để có phương án chữa cháy phù hợp; vận động nhân dân tỉa thưa rừng tràm và thường xuyên thăm đồng, canh giữ tràm của mình. Hướng dẫn nhân dân vệ sinh đồng ruộng, quy định giờ đốt đồng, đốt phải có thông báo cho BCH PCCCR cấp xã biết ngày, giờ và địa điểm đốt đồng để cơ quan chức năng có giải pháp đảm bảo an toàn.

Toàn huyện Tân Phước có 1.301 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ là 47 ha, rừng sản xuất hơn 690 ha, rừng khác gần 564 ha. Diện tích được giao cho các đơn vị quản lý gồm: Trại giam Phước Hòa, Bộ Công an; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; còn lại là hộ gia đình và cá nhân; phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông và Mỹ Phước.

Trên địa bàn các xã thuộc huyện Tân Phước vẫn còn gần 1.200 ha rừng sản xuất, trong đó thuộc phạm vi quản lý của các hộ gia đình, cá nhân khoảng 673 ha. Như vậy, với diện tích manh mún, nhỏ lẻ; cách xa địa bàn dân cư; phương tiện trang thiết bị chữa cháy khi xảy ra cháy chỉ trông chờ vào Ban Chỉ huy (BCH) phòng cháy, chữa cháy rừng (BCH PCCCR) cấp xã, huyện; thời tiết đang trong mùa nắng gắt, khô hạn…, nếu không đề cao cảnh giác sẽ xảy ra cháy, thiệt hại bất cứ lúc nào. Do đó công tác phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết, trên địa bàn xã có 33,8 ha rừng, chủ yếu của các chủ rừng sống ở địa phương khác, nằm rải rác ở địa bàn 4 ấp, tiếp giáp đất nông nghiệp và khu dân cư, nên công tác tuần tra, kiểm soát cũng còn nhiều hạn chế. Xã có tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, nhưng chưa đủ đáp ứng cho công tác bảo vệ và PCCCR trong các tháng mùa khô. Tuy công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, nhưng tình trạng người dân xâm nhập trái phép vào rừng để lấy mật ong, bẫy chuột… vẫn còn xảy ra.

Anh Lê Văn Hòa, ấp Tân Long, xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước) trồng khoảng 1,5 ha tràm hơn 3 năm, đã chia sẻ: “Tôi thường xuyên tham gia các buổi tập huấn công tác PCCCR để nắm các kiến thức PCCCR, nhằm bảo quản rừng của mình. Để phòng, chống cháy rừng, tôi đã lên líp, trữ nước ở kinh, mương, dọn nhánh cây, thực bì và trang bị máy bơm để phòng khi có sự cố...”.

Theo lãnh đạo huyện Tân Phước, diện tích rừng nằm rải rác trên địa bàn các xã, phân bổ không tập trung, chủ yếu xen kẽ với diện tích đất nông nghiệp, giao thông còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết thay đổi bất thường làm ảnh hưởng đến công tác PCCCR trong mùa khô. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng đốt đồng trong mùa khô, vứt tàn thuốc khi đang đi hoặc đang lao động trong khu vực có rừng dễ làm cháy lan; giá trị kinh tế cây tràm không cao, do đó thời gian qua nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng lúa, khóm, khoai mỡ..., ảnh hưởng công tác PCCCR còn lơ là và chủ quan. Mặt khác, mật độ dân cư trên địa bàn các xã có rừng thưa thớt, đa số là dân xen canh, nên khi có cháy xảy ra, việc huy động lực lượng tại chỗ không kịp thời, chủ yếu huy động lực lượng của BCH PCCCR xã, huyện đến chữa cháy, nên đám cháy đã phát triển rộng và lan nhanh.

Tuy nhiên, thời gian qua, được Nhà nước đầu tư để nạo vét các tuyến kinh thủy lợi nội đồng phục vụ cho việc ngăn lô phòng cháy, chữa cháy và tiêu thoát nước trong mùa lụt bão. Hằng năm được trang bị bổ sung thêm các dụng cụ, phương tiện, đáp ứng được yêu cầu cho công tác PCCCR tại chỗ. Lực lượng chữa cháy cũng được bổ sung kịp thời và được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên, thành thạo sử dụng phương tiện và chiến thuật khi chữa cháy để triển khai một cách nhịp nhàng và đạt được hiệu quả.

VĂN THẢO

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202004/phong-chong-chay-rung-trong-mua-nang-nong-896255/