Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi giao mùa

Tăng cường khử trùng, tiêu độc, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh - đó là những khuyến cáo của ngành chức năng đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa với thời tiết nồm ẩm kéo dài.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh hướng dẫn cán bộ phụ trách thú y các xã, phường trên địa bàn TP Hòa Bình về triển khai phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

Những ngày cuối tháng 1 vừa qua, mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, nhất là về đêm và sáng sớm nhưng trên địa bàn tỉnh không ghi nhận vật nuôi bị thiệt hại. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, do vừa trải qua đợt rét kéo dài nên sức đề kháng của vật nuôi có thể bị suy giảm. Do vậy, với tình hình thời tiết nồm, ẩm kéo dài, dễ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho vật nuôi.

Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi trên địa bàn huyện Cao Phong được duy trì và phát triển. Huyện có tổng đàn gia súc trên 35,8 nghìn con, gia cầm trên 264 nghìn con. Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Thời gian qua, cơ quan chuyên môn đã bám sát cơ sở, giám sát dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Với diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm. Do đó, Phòng NN&PTNT huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng dịch, khống chế, ngăn chăn kịp thời khi xảy ra dịch bệnh.

Trong năm vừa qua, trên đàn gia súc, gia cầm không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn xuất hiện lẻ tẻ một số loại dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn châu Phi. Trong năm, tổng số lợn ốm, chết do dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy 3.052 con, ước thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Đáng chú ý, bệnh tụ huyết trùng nhiều năm không xảy ra thì năm 2022 đã bùng phát vào tháng 7 trên địa bàn xã Tân Pheo, Tiền Phong (Đà Bắc), với 28 con trâu, bò bị chết. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Chăn nuôi và thú y, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, mặc dù không xảy ra dịch bệnh lớn nhưng trong năm 2022, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi còn tồn tại nhiều bất cập. Đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi vẫn đạt thấp.

Cụ thể, kết quả tiêm phòng cho đàn trâu, bò hơn 160 nghìn liều, đàn lợn hơn 194 nghìn liều vắc xin các loại, gia cầm trên 748,8 nghìn liều, tiêm phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt trên 64,4 nghìn liều. Bên cạnh đó, công tác thông tin về dịch bệnh từ cơ sở chưa kịp thời, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ năm 2022 mà những năm trước đó, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đạt thấp. "Với kết quả tiêm phòng đạt thấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh. Đối với điều kiện thời tiết nồm, ẩm như hiện nay, nguy cơ gây ra các bệnh về đường hô hấp như bệnh hen suyễn trên gia cầm và lợn. Do đó, trước mắt các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện phun khử trùng, tiêu độc, dọn dẹp khu vực chăn nuôi. Đến tháng 3 cần thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả” - đồng chí Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo.

Vừa qua, Sở NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 159/SNN-CNTY về chủ động triển khai "Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống dịch bệnh động vật”, thời gian thực hiện từ ngày 15/2 - 15/3. Đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/175099/phong,-chong-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-khigiao-mua.htm