Phòng, chống dịch Covid-19: Khi đã có niềm tin

Cách đây đúng một tuần, sáng 7/3, Hà Nội thức dậy trong một tâm thế không mấy an lành. Có những gia đình, thậm chí cả khu phố đã thức trắng đêm. Sau 22 ngày không xuất hiện các ca nhiễm mới, bệnh nhân nhiễm Covid -19 thứ 17 ở Việt Nam được phát hiện.

Có thể nói đó là một thông tin gây sốc vì chỉ còn vài ngày nữa, Việt Nam có thể công bố hết dịch. Càng sốc hơn, đó là ca dương tính đầu tiên ở Hà Nội, ngay trên khu phố sầm uất với những hàng quán vốn đông người lui tới phố Trúc Bạch.

Lãnh đạo TP họp khẩn, một đoạn phố được cách li, nhiều thông tin chính xác và cả không chính xác được loan truyền. Một không khí bất ổn lan khắp TP. Biểu hiện rõ nhất là ngay buổi sáng ngày 7/3, người dân đổ xô đến các siêu thị, chợ dân sinh để mua đồ dự trữ. Từ các siêu thị lớn như BigC, Lotte, Vincom… cho đến các siêu thị bán lẻ… người đông nườm nượp. Ngay buổi sáng hôm đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ gửi thông điệp tới người dân: TP Hà Nội có đủ nguồn lực đảm bảo nhu yếu phẩm cho dân. Người dân không nên tập trung đến các siêu thị mà không thực hiện tốt các biện pháp an toàn sẽ dễ lây nhiễm bệnh!

Thông điệp của Bí thư Thành ủy đã được minh chứng. Ngay ngày hôm sau và cho đến tận hôm nay, các siêu thị, cửa hàng của Hà Nội đầy ắp hàng hóa các loại, hoạt động mua bán trở lại bình thường. Việc lời hứa của người đứng đầu TP được thực hiện, không chỉ giải tỏa nỗi lo khan hiếm hàng hóa, mà còn củng cố niềm tin, sự bình tĩnh để người dân Hà Nội chung tay cùng các cơ quan chức năng chống lại mối đe dọa của dịch bệnh.

Thực tế những ngày qua cho thấy, mặc dù hết sức cảnh giác với dịch bệnh, người dân Hà Nội vẫn bình tĩnh, mỗi người, mỗi gia đình đều tự áp dụng những biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân và cộng đồng trong mùa dịch. Như trên đã nói, có được điều đó là vì người dân Hà Nội và cả nước đã có niềm tin.

Tin vào sự minh bạch kịp thời, tin vào sự quan tâm, trách nhiệm và các biện pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp cho sức khỏe của người dân, tin vào khả năng của các thầy thuốc… Và thực tế đã chứng minh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan và sự đồng lòng của người dân trong triển khai các giải pháp phù hợp, đồng bộ, quyết liệt và kịp thời, cho đến thời điểm này tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Trong tuần có một sự việc khác, dường như không mấy liên quan đến câu chuyện trên. Đó là trường hợp bệnh nhân thứ 32 phát bệnh ở Anh quốc, được gia đình thuê máy bay riêng đưa về chữa chạy tại Việt Nam. Về chuyện này có nhiều ý kiến bàn luận trên mạng xã hội, duy có một điều mọi người đều thừa nhận. Đó là bệnh nhân thứ 32 cùng gia đình đã biểu lộ một niềm tin vào công tác phòng chống và chữa chạy dịch bệnh của Việt Nam.

Rõ ràng, niềm tin đó không tự nhiên mà có. Nó dựa trên thực tế kiểm chứng lời nói, hành động của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân Việt Nam trong trận chiến chống con virus nguy hiểm này.

Có thể đó đây còn một vài người có nhận thức, hành vi sai trái như dấu bệnh, chủ quan, trốn cách ly… Nhưng những ngày qua cả nước đã bình tĩnh, tin tưởng chung tay phòng chống dịch Covid-19. Từ thực tế cuộc chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, người dân không chỉ được trang bị kiến thức về y tế mà còn được nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Và cũng từ thực tế đó, niềm tin của người dân vào chủ trương, biện pháp và quyết tâm phòng dịch của Chính phủ cùng các cơ quan chức năng càng được hình thành, củng cố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần, kinh nghiệm kiểm soát Covid-19. Với niềm tin trên, người dân Hà Nội cùng cả nước đã vượt qua những thử thách ban đầu, bình tĩnh chung tay phòng chống dịch. Và một khi đã có niềm tin, từ những vị lãnh đạo cao nhất cho đến mỗi người dân, chắc chắn chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng dịch bệnh.

Lê Quân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khi-da-co-niem-tin-377683.html