Phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các hiệp hội ngành hàng mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác - khẳng định: Cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng với hiệp hội, doanh nghiệp (DN) trong phòng, chống gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa.
Trước đó, tại buổi giao lưu trực tuyến “Hải quan làm gì để chống gian lận xuất xứ hàng hóa?” do Tổng cục Hải quan tổ chức mới đây, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) - thông tin, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa. Đơn cử, Cục đã phát hiện Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp gas đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam. Hay, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài (trụ sở tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) có hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu (XK) sang Mỹ. Theo kết quả điều tra, công ty này không sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hợp chất xử lý nước từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác xuất xứ Trung Quốc bằng nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam trên lô hàng để XK.
Cùng với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý XK gỗ dán sang Mỹ, khi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phản ánh kim ngạch XK mặt hàng này sang Mỹ có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian qua. Không chỉ với mặt hàng gỗ dán, Bộ Công Thương cũng cảnh báo, nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng đối diện với nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa như pin mặt trời, lốp ôtô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện...
Trước tình trạng đó, để hạn chế tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, các bộ, ngành kiến nghị, bên cạnh việc Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam, hàng hóa gian lận xuất xứ, các bộ, ngành cần có sự giám sát với các tiêu chí tác động đến sản xuất của DN. Theo Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, tiêu thụ điện năng là yếu tố rất quan trọng để xác định một cơ sở có sản xuất thực tế hay chỉ nhập hàng về rồi dán tem mác, cũng là một yếu tố chứng minh năng lực sản xuất của cơ sở đó đến đâu. Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý tới khả năng sẽ có những mặt hàng của chúng ta đạt tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định của nước ngoài, nhưng lại không đạt tiêu chí theo quy định đang được Bộ Công Thương xây dựng.Các đại biểu cũng đề nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh đa dạng hóa các thị trường XK. Đồng thời, để chống gian lận thương mại, xuất xứ, rất cần sự hợp tác, “chung tay” giữa các cơ quan nhà nước và hiệp hội, DN. Ông Phạm Tất Thắng - chuyên gia kinh tế - cho rằng, với các vụ việc gian lận xuất xứ hàng hóa, cần có thái độ kiên quyết, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, trừng trị nghiêm khắc với cả cơ quan quản lý nhà nước, DN, cá nhân có hành động tiếp tay cho hàng Trung Quốc hoặc hàng hóa của bất cứ quốc gia nào gian lận xuất xứ, “núp bóng” hàng Việt. Về phía DN, hiệp hội, cần hợp tác tốt với các cơ quan chức năng trong việc xác định ngành hàng, DN dễ có nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng:
Tổ công tác sẽ tiếp tục lắng nghe và làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về nội dung này, tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Mặt khác, có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các DN làm ăn chân chính.