Phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ thời điểm giao mùa

Những ngày qua, ghi nhận trên địa bàn Thành phố Sơn La có hơn 100 trường hợp bị đau mắt đỏ; các cơ quan chức năng đang tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống cho nhân dân, để bệnh không bùng phát thành dịch.

Theo Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, bắt đầu từ cuối tháng 7, xuất hiện nhiều trường hợp đau mắt đỏ và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Số ca đau mắt đỏ tăng dần từ cuối tháng 8 đến nay, trung bình có 70 - 80 lượt bệnh nhân khám mắt/ngày, trong đó 10 - 15 trường hợp bị đau mắt đỏ và đang có xu hướng gia tăng.

Bác sĩ chuyên khoa mắt Hoàng Thị Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Cận lâm sàn, Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, cho biết: Đau mắt đỏ là tên gọi dân gian của bệnh viêm kết mạc, xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Bệnh nhân bị đau mắt đỏ thường có biểu hiện ngứa, đỏ mắt, cộm rát, mắt tiết nhiều gỉ kèm theo chảy nước mắt, mi mắt sưng nề, đau nhức; người bệnh còn có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai… Ngoài ra, đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc lây gián tiếp khi dịch tiết của người bệnh dính vào dụng cụ cá nhân, đồ dùng và người khác chạm phải.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh kiểm tra mắt cho bệnh nhân

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh kiểm tra mắt cho bệnh nhân

Tốc độ lây lan của bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng rất nhanh, nên những địa điểm công cộng, nơi mật độ dân cư cao như địa bàn Thành phố tiềm ẩn nguy cơ “bùng phát thành dịch”. Trong 1 tháng qua, Thành phố có hơn 100 ca mắc bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, một số trường hợp bị biến chứng giác mạc, viêm giác chấm, đốm. Đặc biệt, có 2 bệnh nhân bị biến chứng viêm loét giác mạc, nguy hại cho mắt.

Anh Tòng Huy Dũng, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, chia sẻ: Cách đây 3 ngày, mắt tôi có biểu hiện ngứa, đỏ và ra nhiều gỉ. Tôi tự mua thuốc về điều trị nhưng không thấy khỏi, mắt ngày càng đỏ, ngứa, rát, nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán bị đau mắt đỏ và đã kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị và cách phòng tránh không để lây sang mọi người trong gia đình.

Bệnh đau mắt đỏ thường diễn tiến lành tính, ít để lại di chứng, thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, gây biến chứng, bệnh đau mắt đỏ gây viêm giác mạc, loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa. Hiện nay rất nhiều người chủ quan với bệnh đau mắt đỏ, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đúng cách. Đến khi bệnh kéo dài không khỏi hoặc diễn biến nặng, mới đến thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa.

Bác sĩ chuyên khoa mắt Hoàng Thị Nhung, Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Cận lâm sàn, Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, nói: Bệnh nhân đau mắt đỏ có thể theo dõi tại nhà, thực hiện chườm lạnh để giảm khó chịu mắt, sưng mi; rửa mặt, rửa tay thường xuyên với xà bông; không đi bơi, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác. Đối với trường hợp cần phải sử dụng thuốc kê đơn, bác sĩ dựa vào nguyên nhân gây bệnh đau mắt và tình trạng của từng người bệnh để chỉ định thuốc nhỏ mắt hay thuốc uống phù hợp.

Đau mắt đỏ do virus kéo dài 4 - 7 ngày rồi tự khỏi, nhưng lại dễ lây lan. Trường hợp này, không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng đối với virus, người bệnh chỉ cần rửa sạch mắt mỗi ngày. Ngoài ra, nếu vi khuẩn là tác nhân gây đau mắt đỏ, cần uống thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ kết hợp tra thuốc mỡ bôi mắt.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cận lâm sàn, Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La tư vấn, kê đơn thuốc cho bệnh nhân bị đau mắt.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh - Cận lâm sàn, Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La tư vấn, kê đơn thuốc cho bệnh nhân bị đau mắt.

Để phòng ngừa bệnh lây lan trong cộng đồng, bác sĩ chuyên khoa I Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, khuyến cáo: Hằng ngày, mọi người rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay, hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng, đeo khẩu trang để phòng bệnh. Bệnh nhân có các biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, không áp dụng phương pháp dân gian như xông mắt bằng lá trầu không bởi có thể dẫn đến biến chứng nặng nề, gây bỏng, hỏng giác mạc; cần phải đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Tăng cường kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, ông Đặng Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm y tế thành phố, cho biết: Đơn vị đã chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường tập trung cao truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ đến người dân. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã, phường tổ chức lồng ghép vào các cuộc họp của tổ bản, phát trên loa phát thanh của tổ bản về triệu chứng nhận biết, nguyên nhân, cách phòng ngừa. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại địa phương.

Các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch.

2. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.

3. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

4. Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

5. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

6. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

7. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

8. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Cán bộ y tế Trạm y tế phường Tô Hiệu tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cho người dân.

Cán bộ y tế Trạm y tế phường Tô Hiệu tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cho người dân.

Thu Trà (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/phong-chong-lay-lan-benh-dau-mat-do-thoi-diem-giao-mua-ISVeyKmSg.html